Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế

Chủ nhật, 12/09/2021 07:33
(ĐCSVN) - Trong đại dịch COVID-19, những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành Y tế, chính sách đối với nhân viên y tế đã bộc lộ rõ nét. Dù các nhà quản lý các cấp và ngành Y tế đã có thêm một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp, nhưng đó không phải là giải pháp mang tính ổn định và bền vững.

Năm 2019, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), tôi đã viết bài đăng trên VnExpress với tựa đề “Những chiến binh ngược dòng”. Ở bài viết đó, tôi đã phân tích về sự hi sinh thầm lặng của những chiến binh áo trắng khi lao vào nơi nguy hiểm, nơi mà những người khác đang tìm cách trốn chạy để bảo vệ sự an toàn cho mình. Tuy vậy, bài viết cũng mới chỉ dừng ở một góc nhìn, và cũng chỉ nhằm gợi thức sự ghi nhận của cộng đồng đối với đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y tế.

Khi đại dịch COVID-19 tràn đến, những đóng góp và sự hi sinh của những chiến binh áo trắng đã hiển hiện rõ nét. Mọi người đều chứng kiến nỗi vất vả, sự nguy hiểm của công việc cứu người. Đồng thời cảm nhận về những thiệt thòi mà đội ngũ viên chức ngành Y phải gánh chịu. Bộ phim tài liệu của VTV mang tên “Ranh giới” phát sóng vào tối ngày 8/9 vừa qua đã lấy nước mắt của hàng triệu người dân Việt Nam. Bộ phim đặc tả những diễn biến đằng sau tấm biển ngăn cách giữa 2 thế giới, và cũng là sự ngăn cách giữa 2 lằn ranh sinh - tử. Nhưng ngay cả những gì mà bộ phim đó phản ánh cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi trong thực tế, áp lực công việc, nỗ lực của đội ngũ những người nhân viên y tế và những nguy cơ đến với họ còn hơn thế nhiều. Câu hỏi đặt ra, vậy sự cống hiến, hi sinh đó được đền đáp thế nào?

Một hình ảnh trong phim tài liệu "Ranh giới". (Nguồn: VTV)  

Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy cho sinh viên chuyên đề “Quản lý nhà nước về y tế”, chúng tôi đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh với thực trạng khá xót xa. Theo thống kê, số lượng nhân viên y tế trong cả nước hiện nay là 345.000 người, trong số đó số lượng bác sĩ là trên 55 nghìn, tương ứng với tỉ lệ 7,2 bác sĩ/10.000 dân. (Tỷ lệ tại Trung Quốc là 19/10.000 dân, tại Mỹ là 26 và tại Nhật Bản là 24), trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đối với các nước có ngưỡng thu nhập thấp là 10/10.000 dân, các nước có thu nhập trung bình thấp (như Việt Nam hiện nay) là 12/10.000 dân. Bên cạnh đó số y tá và hộ lý ở Việt Nam hiện nay là 105.000 người, tương ứng 1,3 điều dưỡng/1.000 dân, thấp hơn so với Indonesia (1,5/1.000 dân) và Ấn Độ (1,7/1.000 dân) [1].

Nhưng điều đáng nói là, ngay cả tỉ lệ này cũng đang biến động. Nguy cơ nhiều nhân viên y tế bỏ việc, bỏ nghề đang hiện hữu, nhất là trong đợt dịch COVID-19 đang ở độ cao trào. Khoan hãy lên án họ! Hãy nhìn lại xem họ đã được nhận những ưu đãi gì khi gắn bó với nghề.

Ai cũng biết, y tế là lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, là nơi đảm bảo cho chất lượng của nguồn nhân lực ở dạng thể chất. “Không có trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể yếu ớt”. Y tế cũng là lĩnh vực tác động trực tiếp đến kinh tế và điều kiện sống của con người. Tổ chức Y tế thế giới đã từng xây dựng 2 chỉ số CATA và IMPOOR để đo lường tỉ lệ nghèo hoá, hoặc suy giảm đối với kinh tế hộ gia đình sau khi tham gia các dịch vụ y tế. Và số lượng người rơi vào tình trạng này không hề nhỏ, nhất là đối với các nước đang phát triển.

Nhưng ở nước ta hiện nay, sự đãi ngộ mà các nhân viên y tế đang nhận được nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng của ngành và sự đóng góp của họ. Ngân sách nhà nước chi cho ngành Y tế còn hạn chế. Chế độ, phụ cấp chi trả cho các y, bác sĩ còn thấp. Một số văn bản quy định về chế độ phụ cấp cho ngành Y tế kể từ năm 2015 đến nay hầu như chưa thay đổi. Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2011; Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC và Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ liên quan đến chính sách tiền lương và phụ cấp của nhân viên y tế đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực.

Xin được nêu ra một vài con số: Ngay cả tại bệnh viện hạng 1, mức chi trả phụ cấp nếu thường trực 24/24 giờ là 115 ngàn đồng cho một ca trực; nếu thường trực 12/24 giờ mức phụ cấp thường trực là: 115 x 0,5 = 57,5 ngàn đồng; nếu thường trực ca 16/24 giờ mức phụ cấp thường trực là: 115 x 0,75 = 86,25 ngàn đồng; thường trực 24/24 giờ mà trực tại khoa hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp là: 115 x 1,5 = 172,5 ngàn đồng; Người lao động thường trực trong các trạm y tế xã, trạm y tế, bệnh xá quân dân y: mức phụ cấp là 65 ngàn đồng/1 người/1 phiên trực. Ngạch bác sĩ chính, lương bậc 8/8, làm tại một bệnh viện lớn của thành phố Hà Nội, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở khoa chuyên môn, nhưng khi về hưu cũng chỉ được nhận số tiền 8,3 triệu đồng/tháng. Chưa kể, nhiều nhân viên y tế trong quá trình làm việc, bị phơi nhiễm, thậm chí tử vong, nhưng lại chưa có chính sách để công nhận họ là thương binh, liệt sĩ. Hy sinh, xả thân trong bất cứ lĩnh vực nào vì dân, vì nước đều cần được Tổ quốc ghi công!

Trong đại dịch COVID-19, những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành Y tế, chính sách đối với nhân viên y tế đã bộc lộ rõ nét. Dù các nhà quản lý các cấp và ngành Y tế đã có thêm một số chính sách hỗ trợ khẩn cấp, nhưng đó không phải là giải pháp mang tính ổn định và bền vững. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Nuôi dưỡng nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế đủ mạnh, dẻo dai, nhiệt huyết để chăm sóc sức khoẻ cho người dân, để thích ứng và trụ vững trước những biến cố bất thường về sức khoẻ là điều rất cần quan tâm. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa những chính sách đãi ngộ, tôn vinh hợp lý đối với nhân viên ngành Y. Khi ngân sách Nhà nước đang hạn hẹp, việc xã hội hoá dịch vụ y tế, để thị trường điều tiết lĩnh vực này là điều cần thiết. Vì như vậy không chỉ giúp tăng năng lực cạnh tranh về chất lượng cho các cơ sở dịch vụ y tế, mà còn đảm bảo sự công bằng đối với nhân viên y tế khi họ được thụ hưởng những quyền lợi xứng đáng với cống hiến của họ.

Nhà nước chỉ đầu tư và bao cấp cho lĩnh vực y tế dự phòng, các cơ sở y tế công lập dành cho nhóm yếu thế. Và để quản lý, tránh sự lũng đoạn trong thị trường dịch vụ y tế, Nhà nước buộc phải xây dựng khung pháp lý với những chế tài minh bạch, cụ thể, với biện pháp xử lý quyết liệt, triệt để. Đây là việc cần được nhanh chóng thực hiện, bởi phát triển lĩnh vực y tế chính là để đem lại sự ổn định về phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia./.

--------------------

 [1]: Theo Cổng thông tin điện tử Ngành Y tế TP.Hồ Chí Minh: http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-su-kien/viet-nam-van-nam-trong-cac-nuoc-co-so-bac-si-va-dieu-duong-tren-1000-dan-o-muc-c1780-36945.aspx

TS. Nguyễn Thị Hường - Học viện Hành chính Quốc gia

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực