Để công viên thực sự là một không gian cởi mở và thân thiện

Thứ tư, 22/03/2023 10:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chủ trương gỡ bỏ hệ thống hàng rào tại một số công viên lớn thể hiện nỗ lực của UBND thành phố Hà Nội trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng không gian xanh cho người dân Thủ đô. Gỡ bỏ hàng rào không chỉ giúp công viên thân thiện hơn, mà còn mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân; đồng thời, mở ra hướng quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả đối với hệ thống vườn hoa, công viên, không gian công cộng tại nhiều địa phương trong cả nước.

Đáp ứng nguyện vọng của người dân

Sau hơn 2 tháng thực hiện gỡ bỏ hàng rào, dừng thu phí vào cổng, Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã thực sự trở thành một không gian cởi mở, thân thiện... Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Đa số người dân đến công viên Thống Nhất đều có chung niềm vui khi thấy những thay đổi về diện mạo và cách quản lý tại công viên lớn nhất Thủ đô.

leftcenterrightdel
 Gỡ bỏ hàng rào bao quanh Công viên Thống Nhất, đoạn tiếp giáp phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Hữu Hưng.

Ông Nguyễn Văn Thành ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vui vẻ cho biết: "Công viên khi không còn hàng rào đã thực sự trở thành công viên đúng nghĩa. Tôi và mọi người sinh sống gần Công viên Thống Nhất rất phấn khởi. Gỡ bỏ hàng rào, công viên trở lại đúng với chức năng không gian công cộng của đô thị, tạo điều kiện để người dân được nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện sức khỏe trong một không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên”.

Thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa và gia tăng quy mô dân số ở Hà Nội, nhiều khu nhà ở cao tầng mọc lên, hạ tầng giao thông phát triển… nhưng việc mở rộng không gian xanh, không gian công cộng chưa tạo được sự đồng bộ. Cụ thể, đến nay, với quy mô dân số khoảng 8,5 triệu người nhưng Hà Nội chỉ có khoảng 70 công viên, vườn hoa lớn nhỏ; nghĩa là hơn 121.000 người mới có một công viên hay vườn hoa. Người dân luôn mong muốn có thêm không gian xanh để được giao hòa cùng thiên nhiên và cân bằng cuộc sống. Nhưng hầu hết công viên lớn tại Hà Nội đều có hàng rào bao quanh. Điển hình là các công viên như: Bách Thảo, Thủ Lệ, Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Hòa Bình…

Khách quan nhìn nhận, hệ thống hàng rào đã có tác dụng bảo vệ, hạn chế các hành vi xâm hại đến cảnh quan của công viên, thuận tiện cho hoạt động thu phí vào cửa. Song, ở chiều ngược lại, hàng rào cũng là “chướng ngại vật”, hạn chế việc tiếp cận không gian xanh của người dân Thủ đô. Vì vậy, phá bỏ hàng rào tại các công viên được coi như là biện pháp “giải phóng” không gian công cộng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Được biết, cùng với Công viên Thống Nhất, UBND thành phố Hà Nội cũng dự kiến sẽ chuyển đổi Công viên Bách Thảo và Công viên Hòa Bình thành công viên mở, không hàng rào, không bán vé ra vào.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc gỡ bỏ hàng rào một số công viên, tạo thành công viên mở đã phần nào "giải cơn khát" không gian xanh cho người dân Thủ đô. Đây là một trong số nhiều giải pháp được đưa ra nhằm khắc phục việc thiếu không gian công cộng, không gian xanh vốn đã là bài toán nan giải đối với các đô thị, trong đó có Hà Nội. “Trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu không gian xanh, thiếu nơi vui chơi cho trẻ em thì việc dỡ bỏ rào chắn công viên là chủ trương đúng đắn. Công viên phải được sử dụng đúng công năng là nơi người dân có thể đến để sinh hoạt cộng đồng, không gian sáng tạo chứ không phải mất tiền mua vé mới được vào”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng chia sẻ thêm.

Bước đột phá trong tư duy của cơ quan quản lý nhà nước

Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương gỡ bỏ hàng rào tại một số công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cho thấy bước đột phá trong tư duy của cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, khai thác hệ thống vườn hoa, công viên.

leftcenterrightdel

Gỡ bỏ hàng rào đã tạo không gian mở để nhân dân dễ dàng tiếp cận với công viên, vườn hoa. Ảnh: Hữu Hưng.

Thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang diễn ra tình trạng thu phí ra vào công viên, “cửa đóng then cài” đối với các vị trí sinh hoạt cộng đồng. Có hàng vạn khu nhà văn hóa cấp thôn, xã chỉ mở cửa khi tổ chức các cuộc họp, còn lại là… thường xuyên khóa cổng. Trong khi đó, đại đa số các khu dân cư ở nước ta, nhất là địa bàn đô thị lại đang thiếu nghiêm trọng không gian công cộng dành cho hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh. Việc hạn chế tiếp cận công viên, các vị trí sinh hoạt cộng đồng, không gian xanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của con người, hạn chế các điều kiện bảo đảm cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần, thể lực và sức khỏe của người dân…

Qua hơn hai tháng gỡ bỏ hàng rào, lượng người vào Công viên Thống Nhất lớn hơn rất nhiều nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn. Công viên đã được phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, được người dân đồng tình, ủng hộ. Trước tín hiệu đáng mừng này, dư luận rất mong không riêng Hà Nội và không chỉ gỡ bỏ hàng rào của các công viên, mà tất cả những khuôn viên công cộng trên cả nước cũng cần được mở cửa, “gỡ rào”, tạo nhiều không gian phục vụ nhu cầu chính đáng, lành mạnh, thiết yếu của nhân dân sau những giờ lao động, làm việc vất vả. Nếu việc gỡ bỏ hàng rào công viên nói riêng, tạo dựng không gian mở cho các công trình công cộng nói chung được thực hiện trên pham vi rộng thì sẽ giúp phát huy tối đa công năng của hệ thống vườn hoa, công viên và các không gian công cộng.

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phải mở cửa công viên cho mọi người dân đều có quyền tham gia. Còn vấn đề quản lý như thế nào cho nó tốt, giữ gìn môi trường vệ sinh các thì đó là cách quản lý của các đơn vị chủ quản. Cần bỏ tư duy không phải là cứ rào kín rồi bắt mọi người trả phí để vào thì không đúng mục đích của công viên.

Tuy nhiên, bên cạnh tính hiệu quả, việc gỡ rào tại các công viên, vườn hoa công cộng cũng tiềm ẩn nguy cơ một số người dân thiếu ý thức lái xe máy, xe đạp vào công viên; hay việc một số cá nhân tụ tập, gây mất an ninh trật tự trong công viên. Tình trạng này ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ, vui chơi; đồng thời, ảnh hưởng tới chất lượng duy tu, duy trì cây hoa, thảm cỏ trong các công viên, vườn hoa.

Do vậy, để chủ trương gỡ rào công viên thực sự có hiệu quả và “niềm vui… gỡ rào” của người dân được trọn vẹn, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần đánh giá đầy đủ, có lộ trình cụ thể, hợp lý. Phải có sự đồng bộ cả về cơ chế quản lý, quy trình vận hành gắn với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng công viên, vườn hoa, công trình công cộng. Tăng cường lắp đặt các hệ thống camera an ninh và những giải pháp công nghệ hiện đại khác để vừa bảo đảm tính “mở” của công viên, vườn hoa, công trình công cộng; vừa bảo vệ tốt hệ thống cơ sở vật chất của các hạng mục này.

Đồng thời, mỗi người dân cần thực sự là những “công dân văn minh”, chấp hành tốt quy định khi tham gia các hoạt động tại công viên; kiên quyết lên án, đấu tranh với các hành vi xâm hại đến công viên, vườn hoa, công trình công cộng của những cá nhân thiếu ý thức. Đó là cơ sở để chúng ta phát huy tốt hơn giá trị sử dụng, công năng của các công viên, vườn hoa, công trình công cộng, thực sự là những “lá phổi xanh”, “không gian văn hóa” của người dân cả nước./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực