Doanh nghiệp tìm “lối ra” trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng

Thứ sáu, 14/08/2020 13:59
(ĐCSVN) - Ở trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Đây là mối lo của các doanh nghiệp khi khả năng một lần nữa dịch tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như doanh thu. Vì vậy, tìm “lối ra" đang là bài toán của các doanh nghiệp.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và lây lan nhanh ra trong cộng đồng là vấn đề lo ngại cho hoạt động của các ngành kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp khi vừa vực dậy sau đợt dịch COVID-19 gần đây từ tháng 1-4/2020. Vấn đề “sống chung với dịch”, vừa đảm bảo an toàn cho con người vừa phát triển được kinh tế, mang lại được các “đơn hàng” đang là “bài toán” đau đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các mảng du lịch, dịch vụ, ăn uống, nghỉ dưỡng. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm sâu tới 55,4% so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn thu của các doanh nghiệp này.

Không chỉ các doanh nghiệp trên, việc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng nếu diễn biến nhanh cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác như: nông sản, may mặc, giáo dục,… Tuy nhiên, trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị cho bản thân các hướng đi để tự “cứu mình”.

Tiêu biểu, hiện nay, đối với một số doanh nghiệp gỗ, khi giãn cách xã hội và hạn chế giao tiếp, đi lại đã tác động đến doanh số của doanh nghiệp khi không thể trực tiếp làm việc cùng với các đối tác; điều này thôi thúc các doanh nghiệp này tìm ra các giải pháp để đưa các mặt hàng đến với khách hàng với cách tiếp cận hiệu quả mà không cần đến trực tiếp các gian hàng. Cụ thể, phương pháp bán hàng online đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Đây cũng là phương pháp bán hàng đang được khuyến khích trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Hoặc mới đây, một cách làm mới của các doanh nghiệp gỗ thuộc HAWA (Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh) khi áp dụng cách làm mới trong bán hàng thông qua triển khai triển lãm trực tuyến bằng các showroom. Khi truy cập triển lãm trực tuyến với công nghệ mới 3D dễ dàng giúp cho khách hàng xem cụ thể, đầy đủ các mặt hàng, sản phẩm gỗ. Triển lãm với hình thức trực tuyến này giúp doanh nghiệp tiếp cận được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng quốc tế.

Cùng với tiện ích trên, triển lãm trực tuyến ứng dụng các nền tảng công nghệ vào thương mại điện tử, sự kiện hội thảo, kết nối giao thương trực tuyến… Qua đó, giúp nhà triển lãm có thể thống kê, phân tích, trải nghiệm và nắm bắt nhu cầu của khách tham quan, thu thập dữ liệu khách hàng tiềm năng, nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng. Đồng thời phát triển các gói dịch vụ về tiếp thị và truyền thông cho nhà triển lãm; nâng cao tỷ lệ chốt đơn hàng thành công.

 Chuyển đổi sang hình thức kinh doanh thông qua triển lãm trực tuyến đang là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp gỗ (Nguồn ảnh: HAWA)

Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân mới cần “suy nghĩ” để vượt qua khó khăn thời dịch COVID-19, một số doanh nghiệp nhà nước đã chủ động không ngừng đổi mới chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng. Tiêu biểu ở khu vực này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ ngày 16/7/2020 đã chính thức ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới (VCB Digibank) trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng.

Với dịch vụ này sẽ cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính và thiết bị di động, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch tài chính, thanh toán và mua sắm. Cụ thể, khách hàng sẽ được trải nghiệm mọi tiện ích tài chính hiện đại và nhanh chóng bao gồm: chuyển tiền nhanh 24/7, đặt lịch chuyển tiền, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ hành chính công, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, khách sạn, mua sắm trực tuyến,… Điều này, đã góp phần hạn chế đi lại của người dân trong bối cảnh giãn cách, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Trước đó, kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, tại thời điểm từ 10/4/2020-20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến đối với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời; tại thời điểm điều tra, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động bởi dịch COVID-19. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh chiếm 57,7%. Có 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Có tới 45,5% số doanh nghiệp khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.

Để ứng phó với dịch COVID-19, 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động; 44,7% doanh nghiệp áp dụng giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động; 5,4% doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm chủ lực; 7,7% doanh nghiệp tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào; 17% doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống.

Cùng với các giải pháp chính để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế, việc đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp tiếp tục được triển khai. Tại các tòa nhà làm việc của nhiều trung tâm thương mại, các phòng giao dịch ngân hàng, các tòa nhà cho thuê văn phòng hành chính,… tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm tra, đo thân nhiệt của các khách hàng vào làm việc, xịt dung dịch rửa tay sát khuẩn. Với những khách hàng không đủ tiêu chuẩn sẽ không được phép vào làm việc.

Với kinh nghiệm ứng phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1-4, hy vọng các doanh nghiệp sẽ tìm thêm được các giải pháp để “vượt khó” trong trường hợp diễn biến xấu của dịch bệnh bùng phát nhanh ra cộng đồng./.

BT (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực