|
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan.(Ảnh minh họa). |
Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, năm 2022, cơ quan thi hành án các cấp đã thi hành xong 1.895 việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tương ứng với hơn 15.989 tỉ đồng, tăng hơn 11.895 tỉ đồng, tương đương tăng 290,51% về giá trị tài sản so với năm 2021. Những con số này cho thấy kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Đồng thời, thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các cơ quan thi hành án các cấp.
Kết quả trên có được, trước hết là do công tác thi hành án liên quan đến các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đã được Trung ương Đảng, trực tiếp là lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Bởi thực tế, việc xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng luôn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán, đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; một số vụ án, các tài sản lại phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng. Bên cạnh đó là những trở ngại do cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn một số vấn đề, nội dung chưa được cụ thể hóa, khó khăn cho xác minh thông tin tài sản… Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã thẳng thắn thừa nhận, việc thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế.
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Anh Phương). |
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, những với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm “không có vùng cấm” trong xử lý sai phạm, công tác thi hành án đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, tập trung vào các vụ việc trọng điểm, các vụ án do cá nhân có chức vụ, quyền hạn gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Nổi bật là việc hoàn tất thi hành án các vụ như: vụ Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh); vụ VN Pharma; vụ Lê Quang Trí (Nguyên Tổng giám đốc Navibank); vụ Hoàng Văn Toàn (cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín);… Dư luận đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thi hành án trong xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc này.
Có thể nói, quyết tâm của Đảng ta trong ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực đã được thể hiện rõ thông qua kết quả công tác thi hành án liên quan đến các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Theo dự báo, công tác này thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tính chất đặc thù của tội phạm kinh tế, tham nhũng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng các cấp, trực tiếp là Thanh tra Chính phủ, Tổng cục thi hành án dân sự và Viện Kiểm sát tối cao cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án; tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế việc tẩu tán, gây thất thoát tài sản liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng; thực hiện tốt cơ chế hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài...
|
Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự. (Ảnh: Thu Hằng). |
Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự, về lâu dài cần tiếp tục “nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác thi hành án liên quan đến các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Song song với đó, cần đẩy mạnh quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương trong việc xác minh, truy tìm, kê biên, phong tỏa tài khoản có liên quan người phạm tội; kiểm sát việc xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án đối với các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo./.