Hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu lao động

Thứ sáu, 26/05/2023 16:16
(ĐCSVN) – Việc mất cân đối cung – cầu lao động khiến “nơi cần không có, nơi có không cần”, giảm động lực phát triển kinh tế địa phương, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp; mất sức hút đầu tư, thậm chí làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ở Công ty cổ phần May BGG Lạng Giang (Lạng Giang, Bắc Giang), ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Tổng giám đốc cho biết, mặc dù Công ty không đòi hỏi công nhân có tay nghề bậc cao nhưng cũng tương đối khó tìm đủ công nhân cho phát triển sản xuất. Công ty đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút người lao động như: đào tạo nghề trước khi làm việc, người lao động hưởng lương từ 8-10 triệu đồng/ tháng, có chế độ xe đưa đón, ăn trưa, cuối năm người lao động được chia cổ phần, các hoạt động chăm lo đời sống luôn được quan tâm. Nhận định về vấn đề này, ông cho biết, hiện nay nhiều thanh niên ra thành phố lao động hoặc đi xuất khẩu lao động, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân lực nên các công ty phải cạnh tranh. Để giải bài toán này, Công ty phải mở công ty vệ tinh ở những địa phương lân cận như Hữu Lũng (Lạng Sơn), Yên Thế (Bắc Giang) để có thể có đủ nhân lực cho các đơn hàng. Đây cũng là bài toán khó chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 52,2 triệu người, trong đó, có 51,1 triệu người có việc làm, hơn 13 triệu lao động làm việc ở khu vực nông - lâm  - ngư nghiệp và thủy sản (chiếm hơn 27%), gần 33 triệu lao động đang làm việc ở khối phi chính thức (chiếm hơn 64%).

Công ty cổ phần May BGG Lạng Giang liên tục thông báo tuyển công nhân.

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại hình lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…).

Cụ thể, theo vùng kinh tế, vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 11,9% lực lượng lao động cả nước, nhưng chỉ có 8% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước. Ngược lại, Đồng bằng sông Hồng đang nắm giữ 22,3% lực lượng lao động cả nước, nhưng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm đến 30,5%.

Trong khi các khu vực như Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên trong tình trạng dư cung lao động; thì vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng lại thường xuyên dư cầu.

Lao động trẻ tập trung về các thành phố lớn để tìm việc, thì các tỉnh lẻ hoặc khu vực vùng sâu vùng xa gần như không còn lực lượng lao động để phát triển kinh tế.

Mất cân đối cung cầu lao động còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường. Cụ thể, có tới 84,6% lao động có trình độ cao đẳng, 66% số lao động có trình độ trung cấp, 22,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo, hay nói một cách nôm na là tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" vẫn còn khá phổ biến. Chiều ngược lại, có khoảng 44,5% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cao hơn so với bằng cấp.

Việc mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ dẫn đến nhiều hạn chế đáng tiếc: Gây lãng phí trong đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực, “nơi cần không có, nơi có không cần” khó phát triển kinh tế địa phương vùng sâu, vùng xa, giảm hiệu quả làm việc đối với các doanh nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, doanh nghiệp không tuyển được nhận sự khi nhiều lao động không tìm được việc; làm mất sức hút đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và năng suất chung của nền kinh tế.

Đối với người lao động, do hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến họ khó có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt; dễ chán nản khi khó tìm việc hoặc tìm được việc không tương ứng với trình độ, năng lực của mình.

Theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đây là hệ quả từ công tác định hướng đào tạo, công tác dự báo thị trường lao động của chúng ta chưa tốt. Việc này dẫn tới việc người lao động không có định hướng học tập cho tương lai. Cơ sở đào tạo cũng không biết trong tương lai xã hội sẽ cần ngành nghề gì để điều chỉnh mô hình cho phù hợp. Doanh nghiệp không có thông tin để xác định vùng nào có lợi thế về nhân lực để đầu tư mở rộng sản xuất, phù hợp với nhân lực của địa phương đó.

Đây là việc không mới, nhưng càng thể hiện rõ khi khoa học công nghệ phát triển nhanh và mạnh, phân hóa trình độ lao động ngày càng rõ. Rõ ràng, mất cân đối cung cầu lao động là bài toán cấp bách cần giải quyết. Chúng ta không thể “thả nổi” cho thị trường lao động tự do phát triển, chỉ chú trọng đào tạo những gì chúng ta có hoặc có lợi thế, mà cần có hệ thống, chiến lược phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đều thừa nhận vai trò của dự báo thị trường lao động, có những dự báo trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, hoạt động này được hiện nay chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, còn chung chung, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động và doanh nghiệp. Ngoài ra, theo ông Phạm Ngọc Toàn, “Dữ liệu nhiều nhưng chưa được quy về một mối, không thống nhất”. Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo, mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau, và không biết sử dụng kết quả nào mới chính xác. Chúng ta cũng thấy rằng, việc dự báo chưa theo sát được với thực tiễn thị trường lao động; chưa có sự hỗ trợ thỏa đáng hoặc các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang thực hiện đề án "Giải pháp thúc đẩy, kết nối cung cầu lao động", tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường lao động (cơ sở dữ liệu cho người tìm việc, việc tìm người), trong đó tập trung vào mô hình dự báo thị trường lao động trong ngắn, dài hạn, ở phạm vi cả nước, vùng kinh tế, các địa phương. Từ đó cung cấp thông tin kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo để các bên điều chỉnh hành vi, có giải pháp hiệu quả nhất. Dự kiến cuối năm 2024, sẽ xây dựng xong mô hình, nền tảng cơ sở dữ liệu (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng về cấu trúc cơ sở dữ liệu). Từ năm 2025 trở đi, sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu, ra mắt mô hình ban đầu, cung cấp thông tin chính thức. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cho hệ thống cơ sở dữ liệu, cần sự nhập cuộc nhanh chóng, trách nhiệm của cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Còn theo ông Phạm Ngọc Toàn, cần phải tập trung xây dựng mô hình dự báo, trong đó có sự đồng thuận các bên liên quan: tổ chức quốc tế, trung ương, địa phương. Mục đích chính là để các bên cùng nắm, có ý kiến đóng góp, cho ra kết quả khoa học, đáng tin cậy, có ý nghĩa trong thực tế. Việc xây dựng mô hình này giúp cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời.

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động được xác định là biện pháp then chốt trong vấn đề giải quyết việc làm. Nhìn nhận những hạn chế để khắc phục, tìm lợi thế để phát huy là một trong những giải pháp thực hiện công tác dự báo thị trường lao động. Theo đó, các địa phương khi thu hút đầu tư cần tính toán đến cung – cầu lao động, hạ tầng để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch lao động. Mỗi địa phương cần là đối tượng chủ chốt trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Theo đó, làm tốt công tác tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp. Tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo từng ngành, nghề và những thông tin liên quan đến chất lượng lao động sau đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Việc đẩy mạnh công tác truyền thông vô cùng quan trọng, giúp lan tỏa thông tin, kết quả phân tích, dự báo thị trường lao động để toàn xã hội nắm được, từ đó các gia đình, nhà trường dễ định hướng nghề nghiệp cho con em mình, các cơ sở giáo dục bổ sung đào tạo kỹ năng mà xã hội cần. Doanh nghiệp nắm tình hình, đánh giá rõ nguồn nhân lực, xác định chi phí lao động từng vùng, lĩnh vực để có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh, quyết định đầu tư mở rộng kinh doanh hay không. Người lao động cũng nắm được diễn biến thị trường lao động để có hướng học tập, trau dồi kỹ năng. Nếu kết nối trên thị trường lao động hiệu quả sẽ giải quyết được vấn đề xã hội, giảm chi phí, thời gian cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Mỗi năm, thị trường lao động sẽ tiếp nhận thêm nguồn lao động mới, có xu hướng chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, đối với mỗi gia đình, cần nhận định rõ năng lực của con em mình, tìm hiểu kỹ thị trường lao động để định hướng cho đúng. Hãy nhớ, tiền lương chỉ tương xứng với trình độ, năng lực,  không phải tự nhiên để một lao động dễ tìm công việc phù hợp với mức lương cao. Ngoài việc nắm bắt đúng nhu cầu thị trường lao động, bản thân mỗi người cần tự trau dồi, học hỏi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại công nghệ, thời đại số./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực