Hướng tới hiện đại hóa việc định giá đất trên hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ

Thứ sáu, 10/03/2023 14:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Góp ý vào Luật đất đai sửa đổi, một số chuyên gia cho rằng, vệc định giá đất phải được thực hiện theo phương pháp khoa học, khách quan, dựa trên các dữ liệu, cơ sở dữ liệu được thu thập đầy đủ, đặc biệt là các dữ liệu về thị trường giao dịch thực tế. Cần hướng tới hiện đại hóa công tác định giá đất dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ.
 Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa.

Góp ý vào Luật đất đai sửa đổi, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa bày tỏ băn khoăn với Điều 78 nêu các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo bà, dự thảo cần quy định rõ ba nhóm thu hồi đất. Nhóm 1 gồm đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội. Nhóm 2 là đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại. Nhóm 3 là đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ phúc lợi vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

Nếu Nhà nước thu hồi đất để giao nhà đầu tư thực hiện dự án thương mại, dịch vụ, giá đất phải có thỏa thuận với người bị thu hồi. Việc này khắc phục tình trạng lúc thu hồi thì bồi thường giá thấp, nhưng khi xây dựng hạ tầng cho thuê thì giá gấp 5-7 lần, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.

Đối với hỗ trợ tái định cư, bà Hoa cho rằng hiện chưa có quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều kiện trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư. Khu tái định cư phải đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, miền và thứ tự ưu tiên địa điểm tái định cư càng gần nơi ở cũ càng tốt.

 GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường,  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cũng đề cập đến vấn đề thu hồi đất, GS Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, khi thu hồi đất nông nghiệp, phải đặc biệt lưu ý đến quyền lợi của người dân vì họ luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.

“Hiện nay, nhiều nhà ở như tại khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư. Tôi đề nghị quy định trong dự thảo Luật Đất đai lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi”, GS Trần Đình Long kiến nghị.

Ở góc nhìn của mình, ông Lê Gia Chinh, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển ứng dụng Khoa học công nghệ đất đai, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, nguyên tắc định giá đất theo giá thị trường là nguyên tắc bảo đảm sự công bằng, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi…

Để định giá đất phù hợp với giá thị trường, giá đất phổ biến trên thị trường “được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác”.

Việc định giá đất phải được thực hiện theo phương pháp khoa học, khách quan, dựa trên các dữ liệu, cơ sở dữ liệu được thu thập đầy đủ, đặc biệt là các dữ liệu về thị trường giao dịch thực tế. Cần hướng tới hiện đại hóa công tác định giá đất dựa trên một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Đề cập đến cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lưu ý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Theo đó cơ chế này bao gồm cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm Nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước … trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là MTTQ các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Cùng với đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền quy định chưa đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả khắc phục được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai.

Theo GS Đường, Chương XV không nên quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra, mà giám sát, thanh tra, kiểm tra đưa vào các chương trở thành một nội dung của từng chương với những quy định cụ thể quy định cơ chế kiểm soát theo nội dung của chương. Trong đó quy định mỗi cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm soát như thế nào? cơ chế kiểm soát và nội dung kiểm soát gồm những vấn đề gì?./.

 

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực