Kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của các Anh

Thứ bảy, 17/10/2020 18:56
(ĐCSVN) - Ai đó đã viết rằng, trong thời bình, những hy sinh mất mát cả tính mạng càng khiến cho nỗi đau trở nên day dứt. Và việc 13 liệt sỹ đã tử nạn trong khi làm công tác cứu hộ cứu nạn người dân ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) những ngày qua đang thực sự khiến chúng ta bàng hoàng, đau đớn, xót xa.

Truy tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” 2 chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng 3

Xứng đáng là điểm tựa tinh thần, chỗ dựa vững chắc của Nhân dân

Cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 13 liệt sĩ hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3

Lúc này đây, khi cùng hướng về Thừa Thiên Huế, nơi các Anh đã tử nạn, cùng tiễn biệt các anh về nơi an nghỉ vĩnh hằng, tự dưng những lời hát trong khúc ca “Tự nguyện” lại vang vọng trong tôi. Xin mượn câu hát “Là người tôi sẽ chết cho quê hương” như là một tri ân cho hy sinh của các Anh vì nhân dân trong thời bình này.

Hiện trường còn sót lại ở Trạm 67, Huế  (Ảnh: Lê Văn Chương/Báo Tiền Phong) 

Những ngày này, cả miền Trung nói chung và Huế nói riêng đều vẫn mưa không ngừng nghỉ, dự báo diễn biến thời tiết cũng chưa thấy có dấu hiệu ngớt mưa. Thiệt hại về người và của theo thiên tai mưa lũ vẫn còn gia tăng. Công tác cứu hộ cứu nạn vẫn tiếp tục triển khai vì “nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh". Câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trước khi hy sinh càng tiếp thêm niềm tin và động viên để lực lượng cứu hộ cứu nạn bất chấp hoàn cảnh thời tiết, điều kiện địa hình tiếp tục tìm kiếm và ứng cứu thêm người dân, công nhân thủy điện trong khu vực bị sạt lở và nước lũ dâng cao. Những giọt nước mắt đã tuôn rơi. Thương tâm vì những mất mát là vậy nhưng đoàn công tác cứu hộ còn lại vẫn đang tiếp tục “chạy đua” theo mưa lũ để cứu được càng nhiều càng tốt.

Đất mẹ đón các Anh, mất mát quả là to lớn, nhưng các Anh thực sự đã là chỗ dựa cho người dân, là “chiếc phao cứu sinh” cho người bị nạn. 11/13 người tử nạn là quân nhân, sự hy sinh của các Anh quả thực đúng với tinh thần truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Tôi cứ ám ảnh mãi về hình ảnh vị chủ tịch huyện mới ngoài 40 tuổi còn cha mẹ già và con thơ, Anh ngược xuôi đi cứu người trong lũ và tiếp tế cho bà con mặc dù căn nhà của chính gia đình mình cũng đang bị lũ bủa vây. Tôi còn ám ảnh nữa về hình ảnh một nhà báo, ở cảnh gà trống nuôi con nhưng lúc nào cũng giữ “lửa nghề”, “say mê nghề nghiệp” và hay giúp đỡ anh em đồng nghiệp, đi công tác và nằm lại nơi vùng đất mình đến trước ngày sinh nhật đúng 3 ngày. Họ chính là những tấm gương bình dị mà cao cả, gần gũi và thân thương.

Không lời nào để diễn tả nỗi xót thương và sự nghẹn ngào về mất mát đó. Thương những người ra đi một thì xót những người thân của họ mười. Từ nay, 13 gia đình đó sẽ mất đi bóng dáng người cha, người anh, người em, người chồng thân thương.

Người thì đã ra đi, còn nỗi đau dành cho người ở lại. Nhìn thẳng vào thực tế để thấy đã đến lúc chúng ta phải nâng cao hơn chất lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, thay thế bằng hệ thống máy móc tối tân hiện đại hơn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người. Nạn tàn phá rừng cũng đã lên tới mức cảnh tỉnh vì phương pháp phòng ngừa sạt lở, giảm thiểu tốc độ nước lũ hiệu quả nhất lại chính là những cánh rừng với vai trò “là chắn tự nhiên” hiệu quả vững vàng.

Ngày 18/10, lễ truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 được Quân khu 4 tổ chức. Người dân trong khu vực có thể trực tiếp đến thắp hương, đưa tiễn, còn tôi, một người dân ở Thủ đô, xin được thắp nén tâm nhang kính viếng hương hồn các Anh và cầu mong các Anh an nghỉ. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh của các Anh!

 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 13 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã hy sinh ngày 13/10 khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1430/TTr – TTg ngày 16/10/2020, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho: ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Phòng Thông tin – Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có hành động dũng cảm trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trung ương Đoàn cũng đã có quyết định truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho hai chiến sĩ trẻ trong Đoàn công tác gặp nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, gồm: thiếu tá Tôn Thất Bảo Phúc (34 tuổi), Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế và thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường (29 tuổi), Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 80. Cả hai đã dũng cảm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3.

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực