Làm việc từ xa, cơ hội hay thử thách?

Thứ hai, 07/06/2021 20:52
(ĐCSVN) - Khái niệm làm việc không cần đến văn phòng vẫn còn khá xa lạ với người Việt. Tuy nhiên, nhiều công ty cho phép nhân viên làm tại nhà để góp phần phòng chống dịch COVID-19, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và người lao động cố gắng đảm bảo hiệu quả công việc bằng những công cụ hỗ trợ.

Làm việc từ xa vẫn còn chưa phổ biến với người Việt

Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thông qua một thiết bị máy tính hoặc chiếc smartphone cũng có thể theo dõi và giải quyết các công việc ngay tại nhà một cách nhanh chóng, dù nhân viên không có mặt trực tiếp tại văn phòng. 

Từ lâu, các nước phát triển đã thực hiện vận động doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa. Nhật Bản là ví dụ điển hình khi từng khuyến khích người dân làm ở nhà để giảm tải giao thông và thiết lập phong cách làm việc mới vào năm 2017. Họ nhận thấy rằng những ngày làm việc trở nên vô cùng thảnh thơi, họ không phải chen chúc để đến công ty đúng giờ, nhiều người Nhật cũng cho biết các chuyến tàu đã vắng hơn thường ngày.

Với nhiều công ty đa quốc gia, việc kết nối và làm việc thường xuyên với các thị trường nước ngoài là chuyện thường thấy. Hoặc nhân viên của họ có thể lựa chọn làm việc từ xa ở một đất nước khác, dựa vào sự giúp sức của những nền tảng công nghệ hiện đại đang được nâng cấp từng ngày.

leftcenterrightdel
Việt Nam bắt đầu thích nghi chuyển đổi hình thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến. Ảnh ND 

Tại Việt Nam, với một số nghề nghiệp mới như developer (kỹ sư phần mềm), nghiên cứu và phân tích thị trường, freelancer (làm việc tự do)..., nhiều người trẻ dần lựa chọn làm từ xa. Tuy nhiên, đây hầu như là những công việc đặc thù. Khái niệm làm việc không cần đến văn phòng vẫn còn khá xa lạ với người Việt.

Từ đầu năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 kéo dài, khiến doanh nghiệp trên toàn thế giới đang chuyển từ mô hình làm việc chung trong văn phòng sang làm việc tại nhà hay còn gọi là làm việc từ xa, nhằm giải quyết một số vấn đề tồn tại và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin. Việt Nam bắt đầu chuyển đổi hình thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến theo từng giai đoạn diễn biến của dịch COVID-19 trong xã hội. Trong khi một số nước đã quen thuộc với cách vận hành này, Việt Nam đang bắt đầu thích nghi.

Thích nghi nhất thời hay theo xu thế?

Lần đầu được làm việc từ xa, anh Lâm Anh Tuấn đã rời TP.Hồ Chí Minh về Đồng Nai hơn nửa năm nay. Khu vườn của cha mẹ trở thành nơi làm việc của anh. "Không đến công sở sẽ giảm đi một phần áp lực, lại có tâm lý thoải mái để làm việc. Mỗi lúc cần họp với đối tác hay đồng nghiệp, tôi sẽ sử dụng tính năng gọi video nhóm, mọi người kết nối thường xuyên và dễ dàng".

Nhân viên của nhiều công ty ở những quốc gia phát triển được phép làm việc tại nhà vô thời hạn sau dịch. Hài lòng với hiệu quả công việc hiện tại, chị Võ Trang Anh - nhân viên thiết kế tại TP.Hồ Chí Minh- có cùng niềm hy vọng với anh Tuấn khi mong chờ được làm việc từ xa kể cả khi dịch chấm dứt.

leftcenterrightdel
 Zalo phiên bản trên máy tính có thể thực hiện cuộc gọi lên đến 100 người. Ảnh ND

Nhiều nhân viên làm việc từ xa cho biết họ có thể vượt qua nỗi sợ bị coi là làm việc không hiệu quả của các thành viên trong công ty và nhà quản lý nếu các công ty của họ đầu tư nhiều vào công nghệ cộng tác. Làm việc từ xa được xem là thách thức trong bối cảnh xã hội chưa kịp chuẩn bị kỹ càng. Nhưng dưới góc nhìn tích cực, đây cũng là cơ hội để người Việt tối ưu ứng dụng công nghệ trong công việc, xây dựng phong cách làm việc mới.

Đối với nhà sử dụng lao động, việc cho nhân viên làm từ xa có thể tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhưng vẫn đang đặt ra nhiều thách thức cho cách vận hành doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc quản lý và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bên cạnh kết nối và tạo động lực cống hiến.

Không giống như anh Tuấn và chị Trang Anh, anh Phan Quốc Vũ (25 tuổi, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) làm việc trong một công ty công nghệ chia sẻ, từ lúc công ty cho lựa chọn làm việc từ xa do COVID-19, hầu hết các cuộc họp đều qua hình thức trực tuyến, các chỉ tiêu về công việc anh vẫn hoàn thành tốt nhưng luôn ở trạng thái "nước đến chân mới nhảy".

"Tôi thậm chí mất dần hứng thú trong công việc, tôi mong chờ có thể trở lại văn phòng sớm để trao đổi trực tiếp và tập trung làm việc hơn"", anh Vũ bày tỏ. 

Theo Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho biết: Mô hình làm việc từ xa đem đến nhiều lợi ích cho các tổ chức, không chỉ trên phương diện tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động mà còn tác động tích cực đến môi trường. Mô hình này cũng giúp giao thông bớt tắc nghẽn và lượng khí thải do xăng dầu cũng giảm đi đáng kể...

"Mặc dù làm việc từ xa đem lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng quan ngại về tính hiệu quả chưa được kiểm chứng, về năng suất và độ tin cậy thấp, đa số doanh nghiệp chỉ xem đây là giải pháp tình thế trước ngoại cảnh không thể tránh khỏi, chứ không phải lựa chọn khả thi lâu dài", TS. Hiệp chia sẻ. 

Một số doanh nghiệp lớn trên thế giới đã mở màn cho xu hướng làm việc từ xa vô thời hạn, nhưng các công ty trong nước vẫn chưa có nhiều động thái cụ thể hoặc tỏ ra ủng hộ. Làn sóng này có làm thay đổi phong cách làm việc ở Việt Nam hay không vẫn là một câu hỏi, bởi quyết định này còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chất và hiệu quả công việc thực tế dựa trên sự chuyển biến chất lượng thị trường lao động trong tương lai và công cụ làm việc đến từ công nghệ hiện đại./.

Nguyễn Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực