leftcenterrightdel
Bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam với rất nhiều di tích, di sản văn hóa.   

LTS: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Để thực hiện được các định hướng nêu trên, trong những năm qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Cùng phóng viên Báo điện tử ĐCSVN tìm hiểu vấn đề này qua loạt 5 bài: “Phát triển văn hoá Hà Nội xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến”

leftcenterrightdel

(ĐCSVN) – Với bề dày nghìn năm lịch sử, đất nước ta có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với những giá trị lớn lao. Trong bức tranh ấy, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vinh dự có mặt ở vị trí trung tâm. Thủ đô của chúng ta là “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc”; “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” với những đặc trưng văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị.

leftcenterrightdel

Năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay), đổi tên thành Thăng Long với khát vọng về một vận nước bền lâu, quốc gia thịnh vượng, phồn vinh, trăm dân, muôn họ được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Quyết định lịch sử, với tầm nhìn xa, trông rộng của một bậc minh vương kiệt xuất đã mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.

Nói về nét đặc sắc của Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm", hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc. Hà Nội được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá, trở thành thương hiệu, là tài sản không dễ gì có thể đong đếm được. Nói cách khác, đây cũng chính là "sức mạnh mềm" của Thủ đô.

Trong sâu thẳm từ thuở Thăng Long, Thủ đô đã luôn là trung tâm văn hóa của cả nước, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Đó là những giá trị trường tồn, là nguồn lực nội sinh to lớn trên hành trình xây dựng và phát triển. Tất cả đã cho thấy, văn hóa Hà Nội là nguồn sức mạnh to lớn xét trên nhiều góc độ, tầng mức, cả chiều sâu và quy mô, tính chất.

Năm 2008, Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Cuộc kiến tạo đặc biệt này vừa định hình một tầm vóc mới cho Thủ đô, vừa làm dày thêm nền văn hóa Hà Nội, đặc biệt là sự bổ sung của văn hóa xứ Đoài.

leftcenterrightdel

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, văn hóa Thăng Long - Hà Nội là sự hội tụ của trăm miền, đặc biệt là của “Thăng Long Tứ trấn”. Bốn không gian văn hóa đó luôn có mối quan hệ chặt chẽ và thực tế đã trở thành những thực thể gắn bó hữu cơ với Thăng Long. Văn hóa Tứ trấn luôn có sự tương tác, đồng hành với dòng chảy, hệ sinh thái văn hóa - nhân văn Thăng Long. Hệ sinh thái văn hóa đó được tạo thành bởi nhiều vòng đồng tâm mà vùng lõi, kết tinh là ở Thủ đô văn hiến.

Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng: Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long. Nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị kinh tế và văn hóa con người.

GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu rõ, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng... hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử. Ngoài ra, văn hóa Hà Nội còn là kết tinh của những nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Pháp. Có thể thấy, một số địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như: Nhà Kèn, Nhà hát Lớn, Hỏa Lò, ga Hàng Cỏ, cầu Long Biên, Nhà thờ Lớn, chợ Đồng Xuân... đều là những di sản có giá trị vật thể bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể đã được lưu giữ hơn ngàn năm qua của Hà Nội.

leftcenterrightdel

Còn PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam lại khẳng định: Vị thế Thủ đô Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội đã định hình hơn một nghìn năm trước đến ngày nay, vẫn sừng sững là vùng đất địa linh, tụ sơn, tụ thủy, tụ sản vật, tụ nhân tài tinh hoa cả nước. Lịch sử vẻ vang của quốc gia qua các thời kỳ đều có đóng góp to lớn sức người, sức của, trí tuệ và tình cảm của Nhân dân Thủ đô anh hùng. Các danh hiệu mới của Hà Nội có được nhờ kinh tế phát triển dồi dào, thương mại trao đổi hàng hóa, các mặt hàng, ngành hàng, dịch vụ, công thương nghiệp, nông nghiệp (và tam nông) năng suất cao, chất lượng tốt… khiến đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Nhìn nhận văn hóa từ góc nhìn phát triển đô thị, một số nhà khoa học cho rằng, Hà Nội là thành phố có sông Hồng chảy qua, có hệ thống đường bộ, giao thông phát triển, có nhiều di tích ven sông... Với điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình thuận lợi, Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước.

Đúng thế! Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) như Thủ đô Hà Nội. Vì thế, mỗi người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung luôn tự hào về Thủ đô yêu dấu, luôn ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.

leftcenterrightdel

Những đặc trưng hình thành trong tiến trình lịch sử là niềm tự hào, đồng thời trở thành yêu cầu với người Hà Nội hôm nay, làm sao để bồi đắp, tiếp nối dòng chảy giá trị văn hóa từ truyền thống tới đương đại, để tiềm năng văn hóa to lớn, lâu đời, phong phú và đa dạng ấy thực sự trở thành nguồn tài nguyên, động lực to lớn, phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô. 

Yêu, tự hào về Thủ đô. Vậy phải làm gì để văn hóa Thăng Long - Hà Nội với bề dày nghìn năm tỏa sáng? Làm thế nào để khơi mở nguồn lực văn hóa trở thành động lực mới phát triển kinh tế - xã hội? Đó là những câu hỏi luôn đau đáu trong mỗi đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, mỗi người yêu Hà Nội, cũng là mong đợi, kỳ vọng của Nhân dân. Đó cũng là lí do để xuyên suốt trong công cuộc đổi mới đất nước, nhận rõ sức mạnh to lớn của văn hóa, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhanh chóng đón nhận các nghị quyết, chính sách của Trung ương và cụ thể hóa thành các chương trình hành động, quyết sách để khơi nguồn lực nội sinh của văn hóa, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của Nhân dân, từng bước chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể đưa văn hóa của Thủ đô phát triển.

leftcenterrightdel

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là nguồn tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người. Là Thủ đô của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, Hà Nội càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Xuyên suốt 8 kỳ đại hội sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, không tách rời quan điểm của Đảng ta về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô.

Cụ thể, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã liên tục nhiều nhiệm kỳ có những chương trình công tác lớn, như: Chương trình số 05 (khóa XIII), Chương trình số 08 (khóa XIV), Chương trình số 04 (khóa XV, XVI) và Chương trình số 06 (khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, với những giải pháp cụ thể, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, khẳng định văn hóa và con người đã và đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô.

Hà Nội đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

leftcenterrightdel

Để khai thông nguồn lực từ văn hóa ứng xử, tối ưu hóa những giá trị văn hóa mới bên cạnh những giá trị văn hóa đã được định hình, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã triển khai rộng khắp từ thành phố tới cơ sở hệ thống Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo nên một sự thay đổi bước đầu tích cực trong đời sống cộng đồng, khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mọi tầng lớp Nhân dân đồng lòng vun đắp…

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cả Trung ương và Hà Nội đã có những đường đi, nước bước về văn hóa, con người Hà Nội. Đáng chú ý, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã đặt văn hóa vào trung tâm sự phát triển của Thủ đô với yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Theo đó, thành phố đã bắt tay ngay vào những công việc cụ thể. Trong hai năm 2021-2022, Hà Nội  đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố). Riêng năm 2022 đã tu bổ, tôn tạo 85 di tích. Tháng 11/2022, Dự án tu bổ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hạ tại huyện Ba Vì đã được khánh thành. Cùng trong tháng này, Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại huyện Thường Tín cũng đã được khởi công.

leftcenterrightdel

Tháng 12/2022, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France, Cộng hòa Pháp... Hà Nội đã quan tâm, đầu tư cho công tác tu bổ di tích, đặc biệt là Nghị quyết của Thành ủy đã quyết định đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng cho 500 di tích… Những việc làm này đánh dấu quyết tâm của thành phố đưa văn hóa Thăng Long - Hà Nội đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế, thu hút du lịch, dịch vụ, tiếp sức cho thành phố đi lên.

Đặc biệt, trong năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.

(Bài có sử dụng ảnh của một số đồng nghiệp)

Bài 2: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn để Thủ đô phát triển bền vững

Bài 3: Mở “cánh cửa” du lịch văn hóa

Bài 4: Vẫn còn đó những thách thức, rào cản

Bài 5: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô

Nhóm PV
29/05/2023 14:49