Số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản bài toán cần lời giải?

Thứ hai, 06/03/2023 17:48
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang là yêu cầu ngày càng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để hiện thực hóa công tác này, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở từ các doanh nghiệp và người dân cần được hướng dẫn, giải đáp.
leftcenterrightdel
 Hệ thống cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ NN&PTNT (Ảnh: B.T)

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu nông sản của nước ta tiếp tục đạt kỷ lục mới với 53,22 tỷ USD, trong đó, có nhiều mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra,… Việc hội nhập sâu với thế giới càng đòi hỏi công tác truy xuất nguồn gốc nông sản ngày càng cần được nâng cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu. Chính vì vậy, việc thúc đẩy số hóa để nâng cao chất lượng của truy xuất nguồn gốc nông sản, đảm bảo chính xác, minh bạch, trung thực và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp đang là đòi hỏi tất yếu. Đây cũng là công tác đang nhận được nhiều sự quan tâm của Bộ NN&PTNT và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/.

Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói tại địa chỉ: https://cms.packinghouse.online; các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.

Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.

Theo ông Hùng Tấn Đạt, trong quá trình triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu này, Cục Bảo vệ Thực vật còn kết hợp với rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan từ giai đoạn sinh trưởng, phát triển, từ năng suất, sản lượng của cây trồng cho đến diễn biến tình hình gây hại hay rủi ro trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và lưu kho,...

Thực tế, việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm góp phần mang lại nhiều giá trị. Theo các chuyên gia, công tác này giúp minh bạch thông tin, giúp hội nhập dễ dàng hơn thông qua việc ứng dụng công cụ số hiện đại, tích hợp các nền tảng giúp chuỗi cung ứng liên kết dễ dàng, đa dạng hình thức (ảnh, video, định vị, bảng biểu báo cáo tự động,…). Bên cạnh đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ tích hợp việc truy xuất nguồn gốc, tạo thành trang web quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, giúp tiết giảm chi phí do ứng dụng số hóa cho phép làm mọi việc trên điện thoại thông minh, mọi lúc, mọi nơi, giảm đáng kể chi phí, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Mặc dù vậy, hiện nay, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở từ phía người nông dân, doanh nghiệp trong việc triển khai số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều băn khoăn của các doanh nghiệp xung quanh vấn đề này. Đó là chất lượng của các hệ thống chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc nông sản đang được triển khai đã thực sự hiệu quả, hợp lý hay chưa?. Các Nhà hoạch định chính sách đã có những giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm? Làm cách nào để thực hiện việc này một cách đơn giản, dễ dàng, mang lại kết quả thực chất, rõ ràng cho người nông dân?,…

Thực tế, việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay vẫn đang là bài toán còn rất nhiều khó khăn do các yếu tố về bước đi, nguồn lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,…

Do đó, để thúc đẩy quá trình này, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cần phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần tạo thành những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời, bà Thực cũng cho rằng, về phía Nhà nước cần mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực số hóa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Bên cạnh đó, ông Toản cũng cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện cho quá trình này. Đồng thời, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. Trước khi chuyển đổi số, chúng ta phải chuyển đổi vật lý, các quy trình phải đầy đủ, phải xếp vào đúng ngăn đúng chỗ và sau đó công nghệ sẽ giải quyết bài toàn sắp đặt, vận hành.

Theo ông Toản, hiện nay, Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Đây là các dữ liệu cấu thành Big Data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Thực tế việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, để vấn đề này thực sự được triển khai có hiệu quả, đi vào thực tiễn ở cả chiều rộng và chiều sâu ở tất cả các ngành hàng, các quy trình sản xuất của các hộ nông dân, các doanh nghiệp đòi hỏi cần có thời gian và nhiều biện pháp cụ thể.

Trong đó, cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người nông dân, doanh nghiệp nắm rõ những thông tin liên quan đến vấn đề này. Đây cũng là quá trình các cơ quan nhà nước cần nắm rõ, nắm chắc để có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp nắm rõ được việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản là gì?; lợi ích của việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc; các quá trình để từng bước triển khai số hóa; những ứng dụng, phần mềm mang tính tham khảo để người dân, doanh nghiệp có thể tham khảo sử dụng,…Quá trình này cũng đòi hỏi các cơ quan Nhà nước cùng trao đổi hai chiều với người dân, doanh nghiệp, tham khảo những cách làm hay của các doanh nghiệp đã triển khai số hóa thành công,…

Thứ nữa, cần khuyến khích việc thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc trong thực tiễn sản xuất của người nông dân, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra những kết quả mới trong truy xuất nguồn gốc nông sản và thúc đẩy quá trình số hóa trong truy xuất nguồn gốc.

Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Quyết định cũng nêu rõ quan điểm, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Đồng thời, mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia.

Trên cơ sở đó cho thấy, việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản muốn thành công, trước tiên, cần tuyên truyền sâu rộng đến với mỗi người nông dân, doanh nghiệp nhằm từng bước chuyển đổi về nhận thức, để thấy việc chuyển đổi số, số hóa là công việc cần thiết và tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, việc số hóa trong truy xuất nguồn gốc cần có lộ trình, các bước đi vững chắc và được xác định rõ ràng để từ đó, người nông dân, doanh nghiệp nắm vững để có những bước đi đúng đắn, hiệu quả, tránh việc lãng phí thời gian và nguồn lực./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực