Tạo tiền đề cho những mục tiêu cao hơn

Thứ tư, 05/01/2022 15:42
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Vượt qua hàng loạt khó khăn, thách thức, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 đã về đích ngoạn mục với con số cao hơn dự báo rất nhiều. Dù đó chưa phải là những con số quá cao, nhưng rất đáng khích lệ. Bước sang năm 2022, với bối cảnh dịch bệnh chưa thể chấm dứt và vẫn sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến đời sống cũng như kinh tế của Việt Nam, thì việc tạo dụng niềm tin và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo dựng tiền đề, nền tảng cho xuất nhập khẩu hướng tới những mục tiêu cao hơn là yêu cầu tiên quyết.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước (Ảnh: M.P)

Không phải ngẫu nhiên, ở thời điểm bước vào năm 2021, Bộ Công Thương đã rất khiêm tốn khi đưa ra dự báo về xuất nhập khẩu chỉ tăng trưởng khoảng 5%, cán cân thương mại có thể ở mức cân bằng hoặc nhập siêu nhẹ trong năm 2021. Thế nhưng, thực tế cũng minh chứng, dù năm 2021 là năm rất khó khăn do dịch bệnh nhưng tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số rất khả quan và đáng ghi nhận. Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD…

 Đây không phải là con số quá cao, nhưng theo nhận định của ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kết quả này rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhập siêu trong nhiều tháng. Dịch bệnh cũng đã tác động rất nặng nề đến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam - khu vực động lực tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta. Kết quả xuất, nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đã cho thấy sự kiên trì của các doanh nghiệp để nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn giãn cách. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, bắt kịp các cơ hội để duy trì tăng trưởng xuất khẩu.

Hai năm vừa qua, dịch bệnh đã hạn chế các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp. Do đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chuyển hướng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua mạng lưới thương vụ. Có thể nói, đây là sự chuyển hướng kịp thời, nhanh nhạy và đem lại hiệu quả thiết thực giúp cho các doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như quan hệ kinh doanh. Thậm chí, doanh nghiệp có thể tìm được đối tác, bạn hàng ở những địa bàn mà trước đây chúng ta gần như khó có thể tiếp xúc như châu Phi, châu Đại Dương, Trung Đông thông qua nền tảng trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch bệnh thì khâu lưu thông hàng hóa trong nước đã bị ảnh hưởng, thậm chí là đứt gãy ở một số khu vực. Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc, tham gia cùng với Bộ Giao thông vận tải để tháo gỡ những điểm đứt gãy, đặc biệt là ở khu vực phía Nam trong đợt cao điểm từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021. Bên cạnh đó, để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường ở những cửa ngõ xung yếu của hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các cảng biển, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp ở khu vực này bảo đảm sản xuất để duy trì được nguồn hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, vai trò của Bộ Công Thương qua việc tháo gỡ khó khăn trong logistics và vận chuyển hàng hóa, đóng góp vào thành tích xuất, nhập khẩu được nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Một minh chứng rõ nét nhất của hoạt động tháo gỡ khó khăn về logistics là Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ tạo “luồng xanh” đường thủy cho xuất khẩu gạo. Bởi xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có mạng lưới đường thủy phát triển. Trong khi đó, chi phí về vận tải đường thủy khá thấp so các phương thức vận chuyển khác. Hoặc, trong giai đoạn giãn cách, có nhiều ý kiến tranh luận thế nào là hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bỏ quy định về hàng hóa thiết yếu. Tất cả hàng hóa đều được đối xử ngang nhau, được bảo đảm lưu thông thuận lợi, trừ hàng hóa bị cấm. Nhờ đó tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn giữa các địa phương.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có đóng góp rất tích cực. Điểm nổi bật của Nghị quyết này chính là sự thích ứng an toàn, trong đó hàm nghĩa là chúng ta có thể chấp nhận mức độ rủi ro nhất định khi các yếu tố như ca nhiễm COVID- 19 xuất hiện thì chúng ta không dừng sản xuất, chỉ tạm dừng hoạt động ở phạm vi nhỏ nhất có thể. Thí dụ, khi có một công nhân mắc COVID-19 thì có thể chỉ một nhóm, tổ sản xuất liên quan phải cách ly, theo dõi, còn các tổ, đội và bộ phận khác vẫn được duy trì sản xuất bình thường. Đây là điểm rất khác biệt so trước đây.

Kết quả khả quan của năm 2021 có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Kết quả này thể hiện sự tận dụng môi trường thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do chúng ta đang có. Kể cả trong bối cảnh hiện nay, khi khả năng cung ứng hàng hóa cũng như nhu cầu sử dụng trên thế giới đã bị ảnh hưởng và có sự thay đổi thì chúng ta cũng có thể chớp cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là những yếu tố quan trọng giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022.

Bước sang năm 2022, với bối cảnh dịch bệnh chưa thể chấm dứt và vẫn sẽ là nhân tố quan trọng tác động đến đời sống cũng như kinh tế của Việt Nam, thì việc tạo dụng niềm tin và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề, nền tảng cho xuất nhập khẩu hướng tới những mục tiêu cao hơn là yêu cầu tiên quyết.

Do vậy, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là làm sao để bảo đảm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Sẽ có những nơi, có những khu vực có thể tiếp tục bùng phát những đợt lây lan dịch bệnh mới, nhưng với tinh thần nhất quán và linh hoạt của Nghị quyết số 128/NQ-CP thì chúng ta hoàn toàn có thể có được niềm tin và định hướng phù hợp để vừa chống dịch nhưng vừa phải duy trì được hoạt động sản xuất. Từ đó, tránh việc đứt gãy chuỗi cung ứng gây ảnh đến hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực