Từ nguy cơ “đứt gãy” chuỗi cung ứng…
Trong ba thập kỷ qua, chuỗi cung ứng ngày càng trở nên toàn cầu, trong đó, Trung Quốc trở thành trung tâm của chuỗi giá trị, là nhà sản xuất chính của các sản phẩm và linh kiện có giá trị cao, cũng là khách hàng lớn nhất của hàng hóa và sản phẩm công nghiệp toàn cầu, và là thị trường tiêu dùng lớn.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019 ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, khiến Trung Quốc phải áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt, các lệnh giới nghiêm và kiểm dịch trên toàn quốc, nhiều cơ sở sản xuất bị đóng cửa. Điều này giúp Trung Quốc khống chế và kiểm soát dịch bệnh tương đối nhanh, nhưng cũng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các thành viên
trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp hôm 15-5.
(Nguồn: baochinhphu.vn).
|
Tác động của dịch COVID-19 khiến các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc phải ngưng hoạt động và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù, ngày 25/3, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa tâm dịch Hồ Bắc, tái khởi động nền kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể trở lại như trước.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng đồng loạt áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới với bên ngoài, nhằm ngăn dịch bệnh COVID-19 lan rộng, khiến sự đứt gãy và xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi. Một thống kê cho thấy, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay cùng nhau tạo ra 66% GDP, chiếm 46% xuất khẩu toàn cầu. Cũng 10 quốc gia này cùng nhau chiếm tới 71% số ca nhiễm và 79% số ca tử vong do COVID-19.
Đến “Bộ tứ mở rộng”…
“Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Sau 10 năm gián đoạn, thời gian gần đây, nhóm QUAD đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên và nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Đáng chú ý, ngày 20/3, nhóm QUAD đã mời thêm 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng thảo luận, nhóm này được gọi là “Bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus).
COVID-19 cho thấy Mỹ và các nước phương Tây cũng như nhiều nước châu Á khác đang có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc. Vì vậy, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm “Bộ tứ mở rộng” hiện nay là tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước sau đại dịch COVID-19.
Ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức nhằm đóng góp vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Việt Nam sẽ cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng chống dịch cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Và cơ hội mở ra
Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế. Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một vài mặt hàng, trong đó vào thị trường Mỹ và châu Âu cùng các nước tiên tiến với giá trị đáng kể.
Với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG… hàng năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện vào Mỹ khoảng 30% kim ngạch của mặt hàng này và tỷ lệ đó với châu Âu là 26%. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng tăng nhanh và sớm tiếp cận các thị trường cao cấp như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông thủy sản…
Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với nhiều đối tác (FTAs). Cơ hội mở ra thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng cao cấp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ gốc, công nghệ nguồn cùng các chuyên gia đầu ngành từ những nền kinh tế phát triển vào hợp tác, hỗ trợ phát triển.
Tuy nhiên, do thiếu liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong định hướng xuất khẩu, chất lượng lao động thấp và một số lý do khác, Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu được mời đối thoại với “Bộ tứ kim cương” cùng với Hàn Quốc, New Zealand, Việt nam sẽ có cơ hội lớn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khắc phục sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở Đông-Bắc Á.
Theo các chuyên gia, để phục hồi kinh tế và tiếp nhận các chuỗi cung ứng, trước mắt Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khẩn trương, quyết liệt trong giải quyết thủ tục hành chính, cố gắng giảm chi phí cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.
Về dài hạn, phải thực sự coi trọng phát triển thị trường trong nước trở thành một điểm tựa, tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.
Để thực hiện được điều đó, một mặt, phảitổ chức sản xuất trong nước hoặc tham gia phân công quốc tế để tạo ra những sản phẩm công nghiệp cao bằng những sáng chế quốc tế, đóng góp vào quỹ hàng hóa thế giới. Mặt khác, phải phát huy lợi thế của quốc gia nông nghiệp, là thành viên có trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đóng góp vào quỹ thực phẩm toàn cầu những sản phẩm hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Dù tham gia bất cứ cơ chế hợp tác quốc tế nào, cũng phải quán triệt và thực hiện nhất quán nguyên tắc Chính sách quốc phòng của Việt Nam, đó là: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Như vậy, Việt Nam có tham gia “Bộ tứ mở rộng” hay không, cần phải có thời gian và sự tính toán kỹ lưỡng về lợi ích và nguy cơ, thách thức, song việc tích cực tham gia vào các cơ chế quốc tế nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá kinh tế sau đại dịch COVID-19, đa dạng hóa nguồn cung và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với trình độ cao hơn là việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.