Tiếng còi xe…

Thứ ba, 31/08/2010 00:02

 

Cần chấp hành đúng quy định của Luật về sử dụng còi xe khi tham gia giao thông
(Nguồn: Internet)

(ĐCSVN) - Có lúc nào bạn đang trong tình cảnh “dở khóc dở cười” vì kẹt xe, tắc đường, tiến không đặng, lùi cũng chẳng xong thì bỗng dưng tiếng còi xe đằng sau liên hồi vang lên giục giã? Có lẽ chẳng thiếu… Bản thân người viết bài này đã chứng kiến, thậm chí cũng chính là người bị sự hối thúc liên hồi của những tiếng còi xe kiểu trên.

Lúc đó, có thể không chỉ là sự khó chịu nữa mà nó đã trở thành một tác nhân gây ức chế cho người tham gia giao thông. Trong cái ngột ngạt của dòng người và xe cộ nhích dần từng bước một, trong cảm giác ngán ngẩm và mệt mỏi vì lê từng bước chân trên chiếc xe nặng trịch, cộng thêm với tiếng còi inh tai cứ liên hồi đằng sau, cơn giận dữ không bùng nổ thì mới là lạ!

Lại còn có lúc khi nghe tiếng còi phía sau rõ là tiếng còi của xe ô tô, người tham gia giao thông vội vàng nhường phần đường và rồi phát bực khi chiếc xe phóng lên phía trước lại là… xe máy.

Có cảm giác còi xe bây giờ đang trở thành điều duy nhất để người ta giục giã, tìm kiếm sự nhanh chóng khi đi trên đường. Chẳng phải cứ phải trong tình trạng kẹt xe, tắc đường đâu, ngay cả khi dừng xe trước vạch đèn đỏ, khi đèn giao thông báo hiệu chỉ còn 03, 02… thì đằng sau bạn đã là những tiếng còi xe hối hả, thúc giục.

Rồi cả trên đường phố, ngay khu vực nội thị, đông đúc, có khi nào người tham gia giao thông giật nẩy người vì tiếng còi xe đanh gọn, to đùng… ngang tai của những xe tải, xe buýt… Không thiếu!

Câu chuyện về “tiếng còi xe” trên giống như là một đề tài muôn thủơ, bất tận, chẳng thiếu những bình luận. Nào là “Loạn tiếng còi xe”, rồi “Điên, điếc… vì tiếng còi xe”. Trên các phương tiện truyền thông không thiếu bài báo đăng tải thông tin “Chết vì tiếng còi xe”. Nguyên do cũng chỉ vì tiếng còi xe tải quá lớn làm nạn nhân giật mình ngã xuống đường và tai nạn xảy ra.

Khoản 11, Điều 8 của Luật giao thông đường bộ Việt Nam 2002 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm chỉ rõ: “Bấm còi và rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này”. Nhưng dường như, người điều khiển phương tiện giao thông lạm dụng tiếng còi xe chẳng buồn “ý thức” đến quy định của điều luật trên. Vậy, phải chăng chưa có chế tài xử phạt thực sự nghiêm cho hành vi này?

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 2555/BGTVT-ATGT ngày 21/4/2010 gửi Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam (VATA) đề nghị tăng cường tuyên truyền ý thức thi hành Luật Giao thông Đường bộ. Trong đó, Bộ đề nghị VATA yêu cầu các doanh nghiệp thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các lái xe tự giác, không lạm dụng việc sử dụng còi; cương quyết không lắp đặt, sử dụng còi không đúng tiêu chuẩn quy định. Tất cả chỉ vì thời gian qua, hiện tượng các tài xế xe tải, xe buýt hay taxi… lạm dụng việc sử dụng còi khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong các khu vực nội thị, đang ngày càng gia tăng khiến những người tham gia giao thông khác bức xúc. Thậm chí nhiều xe vận tải hàng hóa, xe vận tải hành khách lắp đặt còi không đúng theo thiết kế, thường xuyên sử dụng còi hơi khi vận hành trên các tuyến phố đông người.

 

 Những chiếc còi "chế" thêm như thế này là sai quy định (Nguồn: Internet)

Và đáng mừng nữa là, các nhà quản lý đã có điều chỉnh về quy định pháp luật khi đưa ra Nghị định 34/2010/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ ban hành ngày 2/4/2010, có hiệu lực từ ngày 20/5/2010. Theo Nghị định này, các mức phạt cụ thể về hành vi sử dụng còi xe đã được quy định khá chặt chẽ.

Quy định của pháp luật đã rõ ràng, cứ chuẩn theo mức vi phạm theo các hành vi trên triển khai xử phạt. Tuy nhiên, với hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện nay, cộng với việc bắt gặp và xử lý trực tiếp các hành vi vi phạm chủ yếu qua lực lượng cảnh sát giao thông đóng tại các điểm chốt giao thông cố định, việc xử phạt còn nhiều bất cập. Không phải lúc nào cũng dễ dàng bắt lỗi hành vi bấm còi và không phải sử dụng còi xe không đúng quy định là có thể bị xử phạt ngay.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn tận gốc, ngoài việc giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, còn cần tăng cường công tác đăng kiểm chất lượng của các phương tiện tham gia giao thông bởi việc đăng kiểm này sẽ kiểm soát việc các xe sử dụng, lắp đặt còi xe đúng kiểu cách, đúng quy định hay chưa.

Với những nỗ lực của mọi cấp, ngành, sự siết chặt trong quy định của pháp luật và tăng mức xử phạt, cùng với sự tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, tin rằng tình trạng “loạn còi xe” sẽ được khắc phục./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực