Thời cơ cho ngành An toàn thông tin khai thác dữ liệu số phục vụ chính phủ số

Thứ bảy, 11/03/2023 14:16
(ĐCSVN) - Năm 2023 tiếp tục là năm đẩy mạnh chương trình chuyển đối số quốc gia và triển khai Chiến lược An toàn, an ninh mạng Quốc gia tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030, với những điểm nhấn là bảo vệ người dân trên không gian mạng và thúc đẩy tạo lập, khai thác dữ liệu số an toàn phục vụ chính phủ số, công dân số…. Đây chính là những thời cơ cho ngành An toàn thông tin.

Tại chương trình Gặp mặt thường niên 2023 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức ngày 11/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng cho biết: Năm 2023, Bộ xác định đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra thế giới. Với lĩnh vực an toàn thông tin, việc tiến ra thế giới sẽ khó khăn nhưng Bộ luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong năm 2023, với lĩnh vực an toàn thông tin, Bộ TTTT có định hướng làm việc với thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc hợp tác quốc tế vừa để học hỏi kinh nghiệm, cập nhật công nghệ mới và mở rộng thị phần. Trong đó, Nhật Bản đang thiếu khoảng 80.000 kỹ sư an toàn thông tin và đây là cơ hội hợp tác cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực này.

 Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại chương trình.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng, thị trường trong nước về an toàn thông tin cũng rất lớn, nhất là chương trình chuyển đổi số ngày càng sâu rộng. Các doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước sớm nâng cao năng lực chiếm lĩnh thị phần này.

Về phía Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, để tạo nguồn nhân lực dài hạn, Hiệp hội tiếp tục tổ chức cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2023 lần thứ 16, dự kiến tổ chức từ tháng 5/2023; tổ chức các khoá đào tạo về an toàn thông tin cho hội viên và đối tác…

Tại Chương trình, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chia sẻ: Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn chung của đất nước nhưng hoạt động của Hiệp hội đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Chủ trương của Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia đã làm gia tăng yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo cơ hội mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT tại Việt Nam. Cùng với đó, Chiến lược Make in Vietnam cũng đã tạo đòn bẩy về chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp ATTT, hội viên tăng cường đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ nội địa và mở rộng thị trường nước ngoài; đồng thời mở rộng môi trường kết nối doanh nghiệp ATTT và các đơn vị có nhu cầu bảo đảm ATTT khu vực nhà nước và các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, năm 2023 tiếp tục là năm đẩy mạnh chương trình chuyển đối số quốc gia và triển khai Chiến lược An toàn, an ninh mạng Quốc gia tới năm 2025, tầm nhìn tới năm 2030, với những điểm nhấn là bảo vệ người dân trên không gian mạng và thúc đẩy tạo lập, khai thác dữ liệu số an toàn phục vụ chính phủ số, công dân số…. Đây chính là những thời cơ cho ngành an toàn thông tin.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT), Việt Nam có hơn 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin. Thống kê cho thấy Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực về an toàn, an ninh mạng. Xây dựng đội ngũ chuyên gia về an toàn, an ninh mạng chất lượng cao được xem là một trong những trụ cột vững chắc để bảo đảm nền tảng an toàn, an ninh mạng quốc gia cũng như đòn bẩy, thúc đẩy tiến tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số./.

Kha Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực