Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I

Thứ tư, 07/09/2011 10:46

Trên 350 học viên mà chỉ có 20 phụ nữ thì ít quá. Giáo dục phải cố gắng để phụ nữ nhiều hơn nữa. Trừ cải cách ruộng đất cán bộ phụ nữ được đào tạo nhiều; trong giáo dục, y tế, các ngành khác, số phụ nữ đều thấp. Nam nữ như thế đã bình đẳng chưa? Các cô phải cố gắng.

Về giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng phải khác. Thời trước giáo dục là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn. Có cơm chùa thì đánh chuông, hết cơm chùa thì không đánh chuông. Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới.

Về Hà Nội tưởng là sung sướng. Địa điểm vẫn còn là một cái đình. Lương ít, công việc nhiều. Khổ là khổ chung. Khổ ấy là khổ gần một thế kỷ mất nước, nô lệ để lại. Sau này kinh tế khá thì đời sống vật chất cũng khá hơn. Sang năm thì chưa được, nhưng vài năm sau các cô các chú về sẽ thấy khác.

Kháng chiến thắng lợi, dân tộc giải phóng; giáo dục được giải phóng thì giáo dục bây giờ phải khác giáo dục phong kiến. Hồi Đông Kinh nghĩa thục có nói đến hai chữ yêu nước. Lúc đầu nó để cho nói. Sau nó kẹp lại. Nói hai chữ yêu nước là bị tóm cổ bắt bỏ tù. Về Phong trào truyền bá quốc ngữ trong bao nhiêu năm mới được 2 vạn 5 nghìn người đi học. Bây giờ chỉ trong một năm sau hoà bình ở Hà Nội đã có trên 3 vạn 5 nghìn người đi học. Trước nó không cho đi học, dân ta có gan đi học. Phải thấy cái khổ là tạm thời. Tiến bộ mới là chính.

Tri thức phải dễ hiểu, dễ nhớ, học mau. Ngoài tri thức phải có đạo đức cách mạng. Thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho các cháu. Làm được như thế là làm tròn nhiệm vụ.

Kháng chiến phải mấy năm. Vội không được. Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm nhưng làm vội không được. Từ đây ra cửa thì thứ nhất là bước thứ nhất, thứ hai mới đến bước thứ hai rồi thứ ba mới là bước thứ ba. Vội thì ngã. Làm phải có kế hoạch, có từng bước.

Tóm lại

1. Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể.

2. Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.

3. Không nên vội. Kháng chiến đến 8, 9 năm. Hiệp thương tổng tuyển cử cũng còn phải lâu dài. Tháng 7 tổng tuyển cử, là ta mới nói, còn phải có bên kia.

Không phải dễ nhưng không phải không làm được. Có thể làm được. Quyết tâm nhất định thành công.

Bác gửi lời các cô các chú hỏi thăm các chú ở nhà và các cháu học sinh nữa.

Nói ngày 12-6-1956.
Sách Những lời kêu gọi của
Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1956, t.III, tr.278-280.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực