Xu hướng thời đại mới về giáo dục và vận dụng ở nước ta

Thứ năm, 01/09/2011 17:22

(ĐCSVN) - Nhu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo ở nước ta đã trở nên cấp bách, vì thực trạng giáo dục hiện nay vừa không đáp ứng yêu cầu xã hội mà còn ảnh hưởng tiêu cực, cản trở sự phát triển lành mạnh về kinh tế, xã hội và hệ thống quản lý.

 

 GS.TS Trần Ngọc Hiên -Nguyên Phó Giám đốc Học viện
 Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh:CPV)

Vì vậy, đổi mới nền giáo dục không đơn giản đưa ra một chương trình mà trước hết cần làm rõ chúng ta đổi mới giáo dục trong không gian và thời gian nào về kinh tế, xã hội - văn hoá và chính trị đặt ra đối với giáo dục, đào tạo, để trả lời câu hỏi: nền giáo dục chúng ta đang ở đâu? và sẽ đi về hướng nào? Điều đó chỉ ra rằng: phải có tầm nhìn mới, định hướng mới và phương pháp mới để vượt qua được khó khăn này.

Tầm nhìn mới về phát triển giáo dục, đào tạo

Trước hết cần đặt sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước vì mục đích trực tiếp của giáo dục, đào tạo là tạo ra nguồn lực lao động và quản lý phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển, nhờ đó mà nâng cao dân trí theo mỗi bước đi.

Quá trình chuyển đổi mô hình phát triển nước ta mang hai đặc điểm quan trọng, mà nếu không chú ý giải quyết thì không thể phát triển được.

Đặc điểm 1: Từ 1986, nước ta đã chuyển từ mô hình kinh tế Nhà nước hoá sang mô hình kinh tế thị trường, nên rất cần sự đổi mới nguồn lực lao động và quản lý, do đó cần có sự đổi mới về tầm nhìn mục tiêu và phương thức giáo dục. Thực tiễn cho thấy, sự đổi mới này quá chậm và không dễ dàng, vì những người lãnh đạo về giáo dục cho đến giáo viên vốn là sản phẩm của mô hình giáo dục cũ, nên ít người có khả năng phân tích những giá trị tích cực của nền giáo dục cũ để kế thừa, những gì không còn phù hợp phải thay đổi. Thói quen làm theo kiểu "duy ý chí" tập thể và cá nhân đã ngăn cản cách nhìn khoa học - thực tiễn để đổi mới.

Đặc điểm 2: Nước ta chuyển sang mô hình kinh tế thị trường chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển số lượng, trong bối cảnh kinh tế thị trường thế giới sau 300 năm phát triển, đang bước vào giai đoạn phát triển cao nhất - giai đoạn kinh tế tri thức. Đây sẽ là giai đoạn chuyển sang phát triển chất lượng cao trên tất cả các mặt của đời sống xã hội được thể hiện rất rõ trong nguồn lực lao động và quản lý.

Hiện nay, sự chuyển biến theo xu hướng mới đang xung đột với mô hình phát triển đã có, thể hiện trong những cuộc khủng hoảng về kinh tế, xã hội, môi trường, văn hoá và chính trị ở các nước phát triển và đang phát triển. Chúng ta không biết thời kỳ quá độ đầy nghịch lý này dài bao lâu, nhưng từ thực tiễn đầu thế kỷ 21 cho thấy: không có gì cản trở được xu hướng thời đại mới là phát triển kinh tế, văn hoá theo hướng vì con người và dựa vào con người, khác với thời đại văn minh công nghiệp chỉ vì tăng trưởng của cải, coi nhẹ vấn đề xã hội và môi trường.

Nhà văn nổi tiếng Victor Hugo đã nói đúng: "Không có gì, kể cả quân đội trên toàn thế giới có thể ngăn cản được một ý tưởng khi thời đại của nó đã tới". Chúng ta có thể nghiệm thấy điều này khi đặt câu hỏi: Vì sao một nước nhỏ và lạc hậu như Việt Nam lại đánh thắng hai đế quốc lớn trong công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hoà đầu tiên trong các nước thuộc địa? Nếu không phải là xu thế thời đại giải phóng các dân tộc, thực hiện dân chủ đã đến, mà Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy và nắm bắt cơ hội lớn như một tiền đề khách quan của thắng lợi.

Liên hệ tới yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo thì chính thời đại mà sự phát triển mọi lĩnh vực phải hướng tới vì con người và dựa vào con người đã đến nên Nhà nước cần nhận rõ: vấn đề chất lượng nguồn lực lao động và quản lý là khâu trung tâm có ý nghĩa đột phá của công cuộc đổi mới hiện nay.

Định hướng phát triển nền giáo dục nước ta hiện nay

Từ tầm nhìn về xu hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới cần có liên hệ với đặc điểm, thực trạng nền giáo dục hiện nay mới có thể thảo luận về định hướng giáo dục. Tôi nghĩ, chúng ta nên thảo luận kỹ, nên qua tư vấn và phản biện để định hướng cho đúng vì định hướng sẽ chi phối nội dung chương trình, cách tổ chức nền giáo dục, phương pháp dạy và học. Nên vượt qua cách làm cũ là trích dẫn một vài câu trong văn kiện cho đúng "lập trường" rồi làm cách cũ và không có đánh giá từ thực tiễn, không có kiểm tra công khai quá trình thực hiện. Đáng buồn là giáo dục là nơi khởi đầu của bộ mặt văn hoá của đất nước, nhưng các thông tin báo chí cho thấy, đó lại là nơi có nhiều biểu hiện không văn hoá. Đây là cản trở lớn nhất đối với công cuộc đổi mới.

Để định hướng phát triển nền giáo dục nước ta như là sự tích hợp những giá trị của thời đại mới đang hình thành với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, rất cần làm rõ nét một số mặt chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, sự phát triển của con người lao động trong quá trình lịch sử phát triển kinh tế thị trường. Nhận rõ điều này để tránh sa vào "chủ quan duy ý chí tập thể" một cách sai lầm. Ở giai đoạn đầu kinh tế thị trường, con người lao động chỉ là công cụ để tăng của cải. Ở giai đoạn này, người quản lý (đồng thời người chủ) là nhân tố quyết định, có vai trò như "nhạc trưởng của một dàn nhạc'' vì lợi ích của mình, vai trò này do hợp tác phân công lao động đòi hỏi.

Giai đoạn thứ hai phát triển kinh tế thị trường, con người bắt đầu có ý thức xã hội trong sản xuất và phân phối. "Con người xã hội" có ý nghĩa quan trọng ngang với công nghệ trong tăng năng suất. Tạo ra được sự liên kết giữa "con người xã hội" với công nghệ tiến bộ là kiểu quản lý hiệu quả nhất.

Ở giai đoạn kinh tế tri thức, người lao động từ tính chất "con người xã hội" phát triển thành "con người văn hoá" khi họ là những người lao động tri thức. Kết hợp được "con người xã hội" với "con người văn hoá" là cách quản lý hiệu quả nhất. Bởi vì người lao động tri thức rất coi trọng quan hệ xã hội và quan hệ với môi trường tự nhiên. Như vậy, đào tạo người lao động tri thức và định hướng phát triển bền vững nền kinh tế là "bộ đôi động lực" của phát triển đất nước theo hướng nhân văn.

Vấn đề đặt ra cho giáo dục Việt Nam là: Người lao động Việt Nam đang ở nấc thang nào? và định hướng phát triển giáo dục tạo ra con người lao động ở nấc thang nào?

Thứ hai, giáo dục tư duy độc lập - nhân tố để phát triển toàn diện của mỗi cá nhân

Chúng ta còn nhớ trong tuyên ngôn của C.Mac và F.Angel từ thế kỷ 19 đã dự báo xã hội tương lai là xã hội mà "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của mọi người". Thế nhưng cơ chế bao cấp và chủ nghĩa tập thể duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý ở các nước XHCN trước đây đã loại bỏ tư duy độc lập sáng tạo của sự phát triển mỗi người. Đó là một trong những nguyên nhân suy thoái dần của các nước ấy không cứu vãn được.

Khi trả lời phỏng vấn của "New York Times" năm 1952, A.Einstein cho rằng: một điều "thuộc về bản chất của một nền giáo dục có giá trị là lối tư duy phê phán độc lập phải được phát triển ở những người trẻ tuổi… Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hoá" .

Trong nền kinh tế thị trường, nhất là ở giai đoạn kinh tế tri thức thì sự phát triển cá nhân là đặc trưng nhất nhưng không tách rời quan hệ hợp tác tập thể. Vì "tập thể thường kém hơn cá nhân về ý thức trách nhiệm cũng như lương tri… Song chỉ nhờ vào tác động tập thể không mang tính cá nhân của rất nhiều người, một cái gì đó thực sự chân quý mới có thể được tạo dựng" . Như thế, giáo dục tư duy độc lập của cá nhân trong mối quan hệ hài hoià giữa cá nhân với tập thể.

Thứ ba, kết hợp hài hoà tri thức khoa học kỹ thuật với tri thức khoa học xã hội - nhân văn là định hướng nền giáo dục mới.

Trong những giai đoạn trước đây, do mục tiêu duy nhất của các nền kinh tế và xã hội là tăng trưởng của cải, nên chỉ đào tạo một chuyên ngành, một nghề nghiệp là đủ, không cần biết đến những yêu cầu xã hội và môi trường đối với ngành, nghề đó. Do mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng xã hội và tàn phá môi trường đến mức uy hiếp sự sống còn của nhân loại thì mới có đòi hỏi thay đổi mục tiêu tăng trưởng, do đó thay đổi định hướng giáo dục. Ngay từ giữa thế kỷ 20, A. Einstein đã cảnh báo điều này: "Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá… anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hoà" .

"Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đúng để phấn đấu trong cuộc đời…, có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện'' .

Ở nước ta, ngay thời còn kháng chiến, khi đến thăm trường Nguyễn ái Quốc T.Ư - nơi đào tạo cán bộ cao cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Học để làm người'. Như vậy - vấn đề "Học để làm người" là nền tảng, là mục tiêu của toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, kể cả đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp.

Thứ tư, xây dựng môi trường văn hoá trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Trong suốt một đời người, dấu ấn không bao giờ quên là môi trường giáo dục thời tuổi trẻ. Đó là môi trường văn hoá trong trường học, là quan hệ giữa trò với thầy, với những người quản lý giáo dục. Từ gương sáng của những người thành đạt, có thể nhận ra rằng: những điều tốt đẹp được truyền cho thế hệ trẻ, chủ yếu là thông qua quan hệ trực tiếp với người thầy và cả người quản lý giáo dục, chứ không phải chủ yếu qua sách vở. Chính mối quan hệ ấy tạo ra môi trường văn hoá trong giáo dục. Nếu không có môi trường văn hoá tốt đẹp, thì hoạt động giáo dục sẽ trở nên cằn cỗi, bị lợi dụng, vì không có tình người.

Vì vậy các giá trị định hướng của nền giáo dục nói trên cũng chính là định hướng cho đào tạo đội ngũ giáo viên và người quản lý giáo dục.

Chúng ta từng biết đến câu phương ngôn: "Người đi giáo dục phải được giáo dục". chất lượng giảng dạy của người thầy là đánh thức tiềm năng ham hiẻu biết, tính sáng tạo ở người học, tạo ra niềm vui trong hoạt động và trong nhận thcs, nhất là bồi dưỡng tính bền bỉ, nỗ lực tìm kiếm sự thật và những phát triển mới ở điểm gặp giữa hai quan niệm, hai tư tưởng, hai phương pháp khác nhau. Thành công của giáo dục chưa hẳn ở số lượng, ở kết quả thi, ở số người tốt nghiệp, mà là "Học để làm người".

Điều kiện vận dụng định hướng giáo dục ở nước ta.

Đây là những vấn đề, trước hết ở cấp vĩ mô, ở quyết tâm chính trị đưa nền giáo dục nước ta sớm trở thành nội lực quan trọng nhất của tương lai đất nước.

Có mấy vấn đề sau đây là những điều kiện quan trọng nhất để phát triển giáo dục: Nhận thức rõ phát triển giáo dục là nhân tố quan trọng nhất của phát triển kinh tế, xã hội hơn cả nhân tố đầu tư tài chính cho sản xuất kinh doanh. Bởi vì, về khách quan, nước ta chỉ có thành công khi hướng phát triển giáo dục và phát triển kinh tế đi theo con người phát triển rút ngắn. Đó là quy luật, là cơ hội mà thời đại mới mang lại cho những nước phát triển sau.

Trong chiến lược phát triển cần đặt sự phát triển song hành giữa kinh tế với giáo dục. Tư duy hệ thống này không chỉ mang lại thành quả tốt về kinh tế và giáo dục, mà còn đem lại kết quả vượt trội, thặng dư.

Do đó việc đổi mới mô hình kinh tế phải đi đôi với đổi mới mô hình giáo dục, làm cho nguồn lực lao động và quản lý trở thành nguồn lực chủ yếu, hơn cả nguồn lực tài chính và tài nguyên. Đây là yêu cầu cấp bách vì mô hình tăng trưởng đã tới giới hạn từ mấy năm qua, kéo dài nữa sẽ nhiều nguy cơ về xã hội và môi trường.

Cần có quy chế liên kết giữa các trường, các Viện nghiên cứu với các Doanh nghiệp để một mặt thấy rõ hơn yêu cầu về nhân lực và công nghệ, mặt khác, để rút ngắn con đường từ nghiên cứu đến triển khai và mở rộng phạm vi ứng dụng. Các tổ chức Hội, Hiệp hội về khoa học và công nghệ, các Hội Doanh nghiệp sẽ phát huy vai trò của mình như một nhịp cầu nối liền phát triển kinh tế với phát triển giáo dục.

Chính phủ xác định rõ chức năng Bộ trưởng giáo dục đào tạo và các Hiệu trưởng, giám đốc các trường, Học viện trong thực hiện chiến lược "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo". Các quy định, quy chế của đổi mới giáo dục, được thực hiện kiểm tra, đánh giá kịp thời bằng cách tổ chức một Ban chuyên môn có trình độ nắm vững chiến lược.

Các giải pháp triển khai sẽ đến khi chúng ta chuẩn bị được các điều kiện nói trên./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực