Chỉ thị về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng

Thứ sáu, 02/12/2011 16:36

Ngày 17/6/1975, Ban Bí thư khoá III đã ban hành Chỉ thị số 221-CT/TW về công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng. Sau đây là toàn văn Chỉ thị:

Trong tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam hiện nay, công tác giáo dục giữ một vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nền giáo dục cách mạng của miền Nam phải nhanh chóng xoá bỏ tình trạng lạc hậu và phản động của nền giáo dục thực dân mới của Mỹ - nguỵ ở vùng mới giải phóng, tích cực góp phần xây dựng con người mới và cuộc sống mới, đáp ứng yêu cầu cấp bách và lâu dài của cách mạng trên các mặt kinh tế, văn hoá và quốc phòng.

A- NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I- TÍCH CỰC XOÁ NẠN MÙ CHỮ VÀ ĐẨY MẠNH BỔ TÚC VĂN HÓA

Trước mắt, phải coi đây là một nhiệm vụ cấp thiết số một, nhằm nhanh chóng xoá bỏ tình trạng lạc hậu do chính sách ngu dân và nô dịch của chế độ phản động Mỹ - nguỵ để lại, nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động, tạo điều kiện thuận tiện cho việc giáo dục chính trị và phổ biến khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ trong những người đã trải qua chiến đấu, sản xuất và công tác.

1. Trước hết, phải xoá ngay nạn mù chữ trong cán bộ và thanh niên và tiếp tục bổ túc văn hoá cho họ, đồng thời phát động phong trào sôi nổi trong quần chúng nhằm mau chóng xoá nạn mù chữ trong nhân dân lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trong hai năm. Đối tượng cần xoá nạn mù chữ trong nhân dân lao động là lớp người từ 50 tuổi trở xuống đối với nam và 45 tuổi trở xuống đối với nữ.

Cần vận dụng nhiều hình thức mở lớp linh hoạt, phổ biến những phương pháp dạy và học có hiệu quả nhất, huy động đông đảo thầy giáo và học sinh phổ thông và đại học, những thanh niên có văn hoá trong lực lượng vũ trang tham gia phong trào này. Phải bảo đảm kết quả xoá nạn mù chữ thực sự, tạo điều kiện cho người học tiếp tục học thêm và tích cực ngăn ngừa quay lại mù chữ.

2. Phải coi việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên ưu tú xuất thân từ công nông và đã có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất là thuộc chính sách cán bộ của Đảng và nằm trong kế hoạch đào tạo của Nhà nước. Cần mở ngay những trường bổ túc văn hoá tập trung: tỉnh phải có trường cấp I và cấp II, tiến tới mở thêm cấp III; huyện (hoặc liên huyện) phải có trường cấp I, tiến tới mở thêm cấp II. Phải dành những điều kiện tốt nhất về thầy giáo, về cơ sở vật chất và thiết bị cho những trường này. Các cấp uỷ đảng và Ban Tổ chức của Đảng phải xây dựng quy hoạch bổ túc, văn hoá thật chặt chẽ, từ đó mà định quy mô các trường lớp và kiên quyết tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là những cán bộ, đảng viên ưu tú còn trẻ tuổi, cả nam và nữ, lần lượt được đi học, không nên vì lý do công tác trước mắt mà giữ lại không cho đi học. Trong thời gian chưa đi học tập trung, họ phải được tổ chức theo học các trường tại chức.

3. Cần có kế hoạch mở rộng khắp các trường bổ túc văn hoá tại chức vừa làm vừa học cho cán bộ và thanh niên công nông tại các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và đơn vị vũ trang.

4. Phải xây dựng cho ngành học bổ túc văn hoá một đội ngũ giáo viên chuyên trách trong biên chế của Nhà nước, chọn trong số giáo viên phổ thông có nhiệt tình, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn khá. Ngoài ra cần huy động giáo viên và học sinh, những người có trình độ văn hoá trong các ngành, các cơ quan, xí nghiệp tham gia giảng dạy bổ túc văn hoá.

Cần có kế hoạch cung cấp đủ sách giáo khoa, các phương tiện giảng dạy và học tập khác, tổ chức chỉ đạo tốt việc quản lý và giảng dạy để việc bổ túc văn hoá thiết thực góp phần vào việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý và lực lượng lao động có kỹ thuật, góp phần tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác.

II- PHÁT TRIỂN MẠNH VÀ ĐỀU KHẮP CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Ngành học phổ thông ở miền Nam, ngay từ năm học 1975-1976 phải có kế hoạch để bảo đảm việc học hành cho hầu hết các con em trong tuổi học, nhất là con em nhân dân lao động; cải biến thành phần xã hội trong học sinh nhất là ở các cấp học trên ở vùng mới giải phóng, tiến tới làm cho con em nhân dân lao động chiếm đa số; nhằm bồi dưỡng thế hệ thanh thiếu niên trở thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà.

1. Trường phổ thông ở miền Nam mở theo hệ thống 12 năm, gồm có cấp I: 5 năm (kể cả vỡ lòng), cấp II: 4 năm,cấp III: 3 năm.

- Trường cấp I: cần được mở rộng rãi và đều khắp ngay từ năm học 1975-1976 để thu hút hết con em nhân dân lao động vào học; chú ý mở thêm trường ở những xã chưa có, ở những vùng trắng nhân dân mới trở về, ở các vùng miền núi, hải đảo. Cần thiết thực giúp đỡ con em nhân dân lao động chưa được học hoặc đã bỏ học được vào cấp I.

- Trường cấp II: cần được mở thêm ở những vùng đông nhân dân lao động, tạo điều kiện cho con em nhân dân lao động sau khi học xong cấp I được tiếp tục đi học. Ở những nơi có điều kiện, nên tách trường cấp II ở vùng mới giải phóng (tức trung học đệ nhất cấp) khỏi cấp III (tức trung học đệ nhị cấp); mở trường cấp II gần trường cấp I; mở thêm lớp đầu cấp II ở những trường cấp I có điều kiện; tiến tới thống nhất trường cấp I và cấp II thành trường phổ thông 9 năm nhằm bảo đảm một nền giáo dục phổ thông cơ sở cho đông đảo con em nhân dân.

- Trường cấp III: cần được điều chỉnh về mạng lưới trường lớp để không tập trung quá nhiều ở các thành phố, đồng thời mở thêm trường ở những huyện chưa có. Con em nhân dân lao động còn tuổi học đã học xong cấp II cần được tích cực giúp đỡ để học tiếp cấp III.

Trên cơ sở bảo đảm một chương trình phổ thông cần thiết bắt buộc cho tất cả học sinh, trường cấp III thực hiện cách chia ban như sau:

Ban A: Văn - sử - địa

Ban B: Văn - sinh ngữ

Ban C: Toán - lý

Ban Đ: Hoá - sinh.

2. Nội dung giáo dục phổ thông là toàn diện, bao gồm giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng, giáo dục văn hóa khoa học, giáo dục kỹ thuật, giáo dục lao động và giáo dục thể chất.

Phương pháp giáo dục phải thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và hoạt động xã hội, nhà trường phải gắn với đời sống.

Vì vậy, ngay từ đầu nhà trường phải tổ chức cho thầy và trò tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội, cải biến một cách cơ bản nội dung và phương pháp giáo dục trong các trường ở vùng mới giải phóng.

Cần mở thí điểm trường phổ thông vừa học vừa làm ở những tỉnh và thành phố có điều kiện.

3. Trong trường phổ thông các cấp, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh là lực lượng giáo dục không thể thiếu được, tổ chức và hoạt động của Đoàn và Đội trong nhà trường phải tích cực thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường. Mỗi trường phải có cán bộ chuyên trách công tác đoàn và đội; phải có chế độ trách nhiệm và quan hệ công tác giữa hiệu trưởng và tổ chức Đoàn, Đội, chế độ bảo đảm hoạt động của Đoàn, Đội.

4. Trong việc phát triển giáo dục phổ thông, cần chú ý thực hiện một số chính sách sau đây:

- Hết sức quan tâm đến con em nhân dân lao động, tích cực thực hiện nguyên tắc tất cả thiếu nhi đến tuổi đi học đều được học hành. Cần đặc biệt chú ý giúp đỡ con em liệt sĩ, con em các gia đình có công với cách mạng được đi học đến nơi đến chốn bằng nhiều biện pháp tích cực (mở trường nội trú, cấp học bổng, phụ đạo, v.v.).

- Coi trọng đúng mức và đầu tư thích đáng cho các vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ và vùng giải phóng cũ đã đóng góp nhiều cho cách mạng.

- Đối với các vùng kinh tế mới sắp được xây dựng, phải tính trước đến việc xây dựng cơ sở giáo dục cho con em cùng với các công trình phúc lợi khác.

5. Đối với trường tư ở vùng giải phóng: chủ trương chung là hạn chế và cải biến từng bước, tiến tới xoá bỏ hẳn các trường tư cùng với đà cải tạo xã hội. Từ đầu năm học 1975-1976 không cho phép các tôn giáo, các đoàn thể chính trị phản động, các ngoại kiều mở trường tư, không cho phép các trường tư đào tạo giáo viên phổ thông. Các tư nhân muốn mở trường tư phải xin phép chính quyền cách mạng, phải theo các điều kiện mà chính quyền cách mạng quy định như: phải thực hiện chương trình học và các quy chế của trường học kể cả học phí mà Nhà nước ban hành, tất cả cán bộ, giáo viên phải được Nhà nước công nhận, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan giáo dục địa phương... Đối với những người có trường tư nay muốn nhượng lại cho chính quyền cách mạng để thành trường công thì hoan nghênh và khuyến khích.

III- TỪNG BƯỚC XÂY DỰNG NGÀNH MẪU GIÁO

Ngành mẫu giáo là một bộ phận của giáo dục phổ thông.

1. Cần cố gắng tổ chức ở các cơ sở của thành thị và nông thôn những lớp mẫu giáo cho các trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Chú trọng trước hết đến con em của cán bộ và nhân dân lao động mà đời sống còn nhiều khó khăn.

2. Nhà nước phụ trách việc đào tạo và bồi dưỡng các cô giáo cho các lớp mẫu giáo.

3. Mọi chi phí cho các lớp mẫu giáo (xây dựng cơ sở vật chất, lương cô giáo...) do nhân dân đóng góp. Nơi nào có khó khăn, Nhà nước sẽ giúp đỡ một phần.

4. Các cấp giáo dục cần chú ý kiểm tra, hướng dẫn các lớp mẫu giáo hoạt động tốt.

IV- XÂY DỰNG THẬT TỐT CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ GIÁO VIÊN

Cán bộ và giáo viên là nhân tố quyết định việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ và giáo viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và luôn luôn là nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp giáo dục, trước mắt cũng như lâu dài. Đối với miền Nam hiện nay, nhiệm vụ này càng hết sức cấp thiết nhằm chuẩn bị cho bước phát triển giáo dục theo quy mô lớn, cải tạo đội ngũ giáo chức vùng mới giải phóng theo yêu cầu của cách mạng, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.

1. Phải xây dựng các trường sư phạm theo tiêu chuẩn sau đây:

- Trường Trung học sư phạm đào tạo giáo viên cấp I, tuyển học sinh lớp 12 học 1 năm, hoặc tuyển học sinh lớp 9 học 3 năm. Mở thêm hệ sư phạm mẫu giáo trong Trường Trung học sư phạm để có thêm đội ngũ giáo viên mẫu giáo chính quy.

- Trường Cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên cấp II, tuyển học sinh lớp 12 học 2 năm.

- Trường Đại học sư phạm đào tạo giáo viên cấp III, tuyển học sinh lớp 12 học 4 năm.

Các trường sư phạm trên đây đào tạo đủ các loại cán bộ và giáo viên phổ thông và bổ túc văn hoá: giáo viên dạy các môn khoa học, giáo viên dạy thường thức kỹ thuật, hướng dẫn lao động sản xuất, giáo viên thể dục, cán bộ chuyên trách Đoàn và Đội (việc đào tạo giáo viên nhạc và hoạ có thể dựa vào các trường nghệ thuật như: Cao đẳng Mỹ thuật, Cao đẳng Âm nhạc).

Cần có kế hoạch phát triển từng bước hệ thống các trường sư phạm có tính toán mạng lưới và quy mô hợp lý, bảo đảm chất lượng, không nên mở ồ ạt một lúc ngay từ đầu.

Cần chú trọng tuyển vào các trường sư phạm các cấp những người có phẩm chất đạo đức tốt nhất là những chiến sĩ, cán bộ cách mạng trẻ tuổi, các đoàn viên thanh niên tốt, tích cực bồi dưỡng văn hoá cho họ đủ điều kiện vào học.

Sớm chấm dứt việc đào tạo giáo viên cấp tốc, tuyển học sinh sư phạm có trình độ văn hoá quá thấp. Bước đầu, nếu thiếu giáo viên, miền Bắc sẽ chi viện. Có thể tuyển những sinh viên đại học đủ tiêu chuẩn chính trị và đạo đức ra đi dạy rồi tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ sau.

Việc đào tạo giáo viên hoàn toàn do Nhà nước đảm nhiệm, các trường lớp sư phạm do các giáo phái và tư nhân mở trước đây ở vùng mới giải phóng đều phải xoá bỏ.

2. Sớm mở các trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên

- Cần mở một số trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý cho toàn miền Nam, với đối tượng là cán bộ lãnh đạo các Sở, Ty Giáo dục, hiệu trưởng các cấp, cán bộ cốt cán chuyên môn của các cơ quan giáo dục.

- Việc bồi dưỡng giáo viên cấp I, cấp II và cấp III do các trường sư phạm phụ trách.

Cần có kế hoạch kết hợp bồi dưỡng tại chức với bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng trong quá trình năm học với bồi dưỡng trong hè. Phải quy định thành chế độ và tạo những điều kiện tốt bảo đảm công tác bồi dưỡng đạt kết quả cao.

B- MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT VỀ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC GIÁO DỤC

I- CẢI TẠO CƠ SỞ GIÁO DỤC CŨ CỦA MỸ, NGUỴ

Việc cải tạo cơ sở giáo dục cũ của Mỹ, nguỵ phải được tiến hành từ hệ thống quản lý, cơ cấu nội dung và phương pháp giáo dục, nhưng trước hết và chủ yếu là cải tạo con người làm giáo dục.

Đối với đội ngũ giáo chức của Mỹ, nguỵ đã đăng ký và xin làm việc với chính quyền cách mạng, nói chung đều được thu nhận, giáo dục và sử dụng - trừ những phần tử phản động mà cơ quan an ninh xác nhận không nên cho tiếp tục dạy, những phần tử có sinh hoạt đồi truỵ bị học sinh và nhân dân phản đối.

Trước khi sử dụng, cần phải cho họ học tập về chính trị và chuyên môn để họ hiểu được những vấn đề cơ bản về tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, về đường lối giáo dục cách mạng, về nội dung và phương pháp giáo dục trong chương trình và sách giáo khoa mới.

Vì vậy, công tác bồi dưỡng trong hè 1975 cho đội ngũ cán bộ và giáo viên là khâu chính của việc chuẩn bị năm học mới. Các cấp uỷ đảng cần quan tâm lãnh đạo ngành giáo dục tiến hành công tác này, đồng thời có chỉ thị cho các ngành tuyên huấn, kinh tế, văn hoá công tác với ngành giáo dục thực hiện tốt nội dung bồi dưỡng, tổ chức tốt sinh hoạt vật chất và tinh thần cho các trại hè.

II- XÂY DỰNG BỘ MÁY QUẢN LÝ GIÁO DỤC CÁC CẤP

Cần tăng cường bộ máy Sở, Ty Giáo dục của các thành phố trực thuộc và các tỉnh đủ sức quản lý toàn diện các ngành học ở địa phương. Chưa nên tổ chức Phòng Giáo dục huyện mà nên tập trung xây dựng Sở, Ty Giáo dục cho mạnh, trước hết xây dựng tốt bộ phận thanh tra ở Sở, Ty làm nhiệm vụ thanh tra và chỉ đạo chuyên môn đến tận trường học.

Mạnh dạn đề bạt những cán bộ, giáo viên đã được thử thách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể cả những người yêu nước, tiến bộ trong vùng mới giải phóng, có năng lực chuyên môn, vào các cương vị phụ trách.

Ở trường học vùng mới giải phóng, các hiệu trưởng cũ của nguỵ quyền không được quần chúng tín nhiệm cần được thay thế. Nên tổ chức cho giáo viên từng trường đề cử hiệu trưởng, hiệu phó mới có sự hướng dẫn về tiêu chuẩn của cấp trên và được cấp tỉnh chính thức công nhận.

III- TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC ĐỂ CÓ CƠ SỞ CHUẨN BỊ TỐT CHO VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁO DỤC TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Bản thân ngành giáo dục phải tổ chức điều tra cơ bản trong ngành về thầy giáo, học sinh, cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồng thời phải được các ngành và địa phương giúp đỡ để nắm được tình hình dân số phân tích theo độ tuổi, theo trình độ văn hoá, theo thành phần xã hội, tình hình về khả năng các mặt, nhằm xây dựng được kế hoạch giáo dục trong những năm tới tương đối xác thực, cân đối và toàn diện, trước mắt xây dựng được kế hoạch bổ túc văn hoá cho cán bộ, chiến sĩ và thanh niên ưu tú, kế hoạch xoá nạn mù chữ, thu hút nhiều con em nhân dân lao động vào trường học các cấp.

IV- PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG THAM GIA XÂY DỰNG GIÁO DỤC

Công tác giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Phát động quần chúng tham gia xây dựng giáo dục còn là một cuộc vận động xây dựng tinh thần làm chủ tập thể của quần chúng, đưa quần chúng vùng mới giải phóng tham gia sinh hoạt và quản lý xã hội. Đặc biệt trong phong trào xoá nạn mù chữ, trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, cần phải phát động khí thế cách mạng của quần chúng và phát huy mọi khả năng to lớn của quần chúng. Các hình thức tổ chức "ban vận động xoá nạn mù chữ", "hội cha mẹ học sinh", "hội bảo trợ nhà trường".... cần được áp dụng linh hoạt và được chỉ đạo hoạt động có hiệu quả thiết thực.

                                                                    *
                                                                 *     *

Công tác giáo dục ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng đặt ra nhiều vấn đề rất mới, rất phức tạp và khó khăn. Nhưng ta đã có cơ sở của một nền giáo dục cách mạng ở vùng giải phóng cũ, có sự chi viện của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, lại có khí thế cách mạng sôi nổi của nhân dân vùng mới giải phóng, có đông đảo giáo viên và học sinh, sinh viên hăng hái hoạt động nhất là sau ngày đại thắng với bao tiềm lực dồi dào về mọi mặt; nhất định sự nghiệp giáo dục ở miền Nam cũng như các ngành hoạt động khác sẽ tiến lên vững chắc.

Các cấp uỷ đảng cần đặt đúng vị trí của công tác giáo dục trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của miền Nam trong giai đoạn mới, phối hợp chặt chẽ lãnh đạo giáo dục với lãnh đạo kinh tế và quốc phòng, trước mắt cần nghiên cứu và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này. Nội dung Chỉ thị này cần được các tỉnh uỷ phổ biến đến các huyện uỷ, các đảng uỷ và chi uỷ, các tổ chức cơ sở đảng về các phần thuộc phạm vi trách nhiệm của từng cấp.

T/M BAN BÍ THƯ

TỐ HỮU

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực