|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: vass.gov.vn) |
Tiến sĩ Lê Văn Tý, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, địa phương luôn quan tâm công tác triển khai, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, đặc biệt tập trung thực hiện tốt nội dung Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Từ năm 2010 đến nay, Tiền Giang đã xây dựng 4 Đề án gồm: Phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020; Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025; Thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường trên địa bàn thị xã Gò Công năm 2020; Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng xây dựng, duy trì và nâng chất các hoạt động, phong trào văn hóa lành mạnh, bổ ích, làm nền tảng tinh thần trong nhân dân. Sở hướng dẫn, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa lịch sử địa phương, dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, Tiền Giang quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Hoạt động này không những giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, mà còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Tiền Giang với du khách trong, ngoài nước.
Toàn tỉnh hiện có 184 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 162 di tích cấp tỉnh và 22 di tích cấp quốc gia (có 1 di tích quốc gia đặc biệt). Trong 9 tháng năm 2022, khách du lịch đến địa phương đạt 542,7 ngàn lượt, tăng 1,1 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế là 14 ngàn lượt, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tiền Giang hiện có 439.637/464.764 hộ đạt 3 tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, đạt 94,59%; 1.005/1.005 ấp, khu phố văn hóa, đạt 100%; 163/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng được triển khai từ năm 2006, đến nay có 11/11 huyện, thành, thị xây dựng và đã công nhận 65 chợ văn hóa, 17 công viên văn hóa, 824 con đường văn hóa, 543 cơ sở thờ tự văn hóa.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang Lê Văn Tý, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người thời kỳ mới.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời kỳ mới hiện nay là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Cùng với đó là chú trọng công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa đủ chuẩn, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân./.