Hà Nội là địa phương điển hình trong nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ hai, 08/05/2023 22:52
(ĐCSVN) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, Hà Nội là địa phương điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị 

Chiều 8/5, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô. Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tham dự Hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc TP Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 huyện (huyện Ba Vì có 7 xã, huyện Thạch Thất có 3 xã, huyện Quốc Oai có 3 xã, huyện Mỹ Đức có 1 xã), có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố.

Những năm qua, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác dân tộc, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong  đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thủ đô Hà Nội”. HĐND Thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết phân bổ ngân sách. Trong 15 năm qua, Thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm... được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Các đại biểu tham quan những dụng cụ độc đáo của đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại Hội nghị. 

Cụ thể, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt gần 11%; thu nhập bình quân đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Hiện 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; bộ mặt làng, bản đã có nhiều khởi sắc; tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của Thành phố được duy trì ổn định; nhân dân phấn khởi tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao việc UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo sát sao, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua. Trong đó, Hà Nội đã ban hành kế hoạch để phát triển hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào từng bước được đầu tư đồng bộ…

“Với những kết quả đạt được trong 15 năm qua, Hà Nội là địa phương điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số”, đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn thời gian tới, Thành phố Hà Nội chỉ đạo, triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn, có khát vọng vươn lên ngay trên quê hương của mình, hòa nhập với sự phát triển của đất nước; tiếp tục quan tâm đến quy hoạch, quản lý quy hoạch về đất ở và đất sản xuất và cơ sở hạ tầng, để đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm, làm giàu trên chính quê hương mình. Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; phát huy nhân cách, hồn cốt, bản sắc của chính dân tộc mình…

Đồng chí Hầu A Lềnh và đồng chí Nguyễn Thị Tuyến trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 15 năm qua, Thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hà Nội xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. Thành phố dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình là hơn 2.144 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hơn 1.647 tỷ đồng (cho 121 dự án); vốn sự nghiệp hơn 496 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các chương trình lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Chia sẻ về những khó khăn cũng như nhận định thực tế hiện nay, sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn Thành phố còn có khoảng cách khá xa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của Thành phố nâng cao trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số của Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng, gắn với gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; đoàn kết, thi đua thực hiện thật tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Nhân dịp này, 24 tập thể, cá nhân được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; 14 tập thể, cá nhân được UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong 15 năm qua trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ủy ban Dân tộc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 55 cá nhân./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực