"Đại học Huế 65 năm - Hành trình kết nối truyền thống và phát triển thành Đại học Quốc gia"

Thứ tư, 02/03/2022 10:34
(ĐCSVN) - Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế hiện là cơ sở giáo dục tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; luôn nằm trong tốp năm cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Việt Nam, tốp 401 - 450 đại học hàng đầu Châu Á.

Đại học Huế (tiền thân là Viện Đại học Huế) được thành lập năm 1957, là cơ sở đào tạo giáo dục trình độ đại học đầu tiên ở miền Trung. Đến nay, Đại học Huế có 09 đơn vị thành viên gồm Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Luật, Viện Công nghệ Sinh học; 01 Trường trực thuộc: Trường Du lịch; 03 khoa trực thuộc: Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ; 01 phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị; các ban chức năng; các trung tâm, viện đào tạo, nghiên cứu và phục vụ đào tạo, Tạp chí Khoa học, và Nhà xuất bản.

Có thể nói, nhiều thế hệ lãnh đạo và sinh viên, học viên Đại học Huế luôn tự hào về truyền thống, vị thế và vai trò, tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia với đầy đủ các ngành và nhóm ngành đào tạo.

Tại thời điểm tháng 3/2022, đơn vị đang triển khai 147 ngành đào tạo đại học, 104 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú với quy mô đào tạo gần 40.000 sinh viên hệ chính quy và 4.500 học viên sau đại học.

Một góc khuôn viên trụ sở chính Đại học Huế tại số 03 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.
(Ảnh: Đại học Huế cung cấp)

Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, Đại học Huế đã cung cấp cho xã hội hơn 40.000 bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân; hơn 200 tiến sĩ, hơn 6.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và trên 7.000 thạc sĩ. Cùng với đó, Đại học Huế đã và đang khẳng định được tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực.

Ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ và những kết quả nổi bật trong sự nghiệp trồng người, Đại học Huế đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (1998), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2002), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2012), Huân chương Lao động hạng Nhất (2017).

Thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế đã xây dựng Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 với vai trò tiên phong, nòng cốt góp phần xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia và đóng góp cho ngành giáo dục đào tạo nước nhà; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia.

Chủ trương phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia đã được Bộ Chính trị nhất trí thông qua tại Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 980/TTg-CP ngày 19 tháng 6 năm 2009 về tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 48-KL/TW, trong đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo lập Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia.

Sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý, tại Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, tiếp tục xác định nhiệm vụ phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia vào năm 2022, phấn đấu nằm trong tốp 300 trường đại học hàng đầu Châu Á.

Căn cứ Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Văn phòng Chính phủ ngày 11 tháng 3 năm 2021 đã có Văn bản 151/VPCP-KGVX thông báo về đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Báo cáo 53/BC-BGDĐT ngày 20 tháng 01 năm 2021 về việc phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia. Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu ý kiến giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ.

Với chức năng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương đã có Công văn 5474-CV/BKTTW ngày 22 tháng 12 năm 2020 đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo và phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, các cơ quan liên quan hoàn thành Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Ngày 13 tháng 01 năm 2021, Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị của Vụ Tổ chức Cán bộ tại Tờ trình 26/TTr-TCCB ngày 06 tháng 01 năm 2021 và Tờ trình 27/TTr-TCCB ngày 06 tháng 01 năm 2020 về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, đã đồng ý chủ trương về việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.

Có thể khẳng định rằng trong suốt thời gian qua, Đại học Huế luôn được Bộ Chính trị và Chính phủ đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện Đề án phát triển thành Đại học Quốc gia. Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo Ban Giám đốc và các đơn vị thành viên cũng chứng tỏ được sự chủ động, tích cực của mình trong việc thúc đẩy Chiến lược phát triển Đại học Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Tuy nhiên, để hành trình “đơm hoa kết trái ngọt” sớm thành hiện thực rất cần có sự quan tâm sát sao, quyết liệt hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể là đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và trình Đề án phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia lên Thủ tướng Chính phủ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực