|
Hà Tĩnh sẽ cắt cử giáo viên đến nhà dạy nếu học sinh không có thiết bị trực tuyến. |
Trước đó, vào ngày 31/8, sau sự tham mưu của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành phương án khai giảng năm học mới đã 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến. Sau ngày khai giảng (5/9), việc dạy học cũng sẽ được triển khaı theo phương án học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục từ bậc tiểu học, THCS, THPT trên toàn địa bàn.
Đứng trước chủ trương này, nhiều phụ huynh hết sức băn khoăn, lo lắng; đặc biệt là khoản kinh phí mua các thiết bị, máy móc để bảo đảm việc học cho các con. Hà Tĩnh là tỉnh có tỉ lệ lớn học sinh điều kiện gia đình khó khăn, con em nông dân. Việc học trực tuyến sẽ khiến các phụ huynh phải đầu tư mua máy tính, các thiết bị điện tử, lắp hệ thống đường truyền internet... để phục vụ việc học. Chưa kể, mỗi gia đình có từ 2 - 3 con trùng lịch học thì sẽ phải lắp đặt, mua từng đó số thiết bị để học. Trên các diễn đàn mạng xã hội tại tỉnh hết sức "nóng" về vấn đề triển khai dạy học trực tuyến. Nhiều phụ huynh cho rằng, quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh là đúng chủ trương, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh nhưng lại chưa thật sự phù hợp với thực tế, cụ thể là triển khai học online đối với các em học sinh bậc tiểu học.
Sau khi lắng nghe ý kiến, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tạm dừng phương án học trực tuyến đối với bậc tiểu học, chỉ triển khai đối với bậc THCS và THPT. Theo đó, ngày 1/9/2021, tỉnh đã ban hành quyết định dừng triển khai phương án học trực tuyến đối với học sinh bậc tiểu học trong năm học mới 2021 - 2022. Riêng bậc THCS và THPT vẫn triển khai học trực tuyến như phương án ban đầu. Việc tổ chức dạy học sẽ chia học sinh thành từng nhóm đối tượng để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả; đảm bảo không để bất kỳ học sinh nào không được học tập. Đồng thời, sẽ cắt cử giáo viên đến nhà dạy nếu học sinh không có thiết bị trực tuyến.
Cụ thể, bậc THCS và THPT sẽ được chia thành 3 nhóm học:
Nhóm 1: Nhóm học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến. Ở nhóm học này, các trường học chủ động xác định các môn học, nội dung dạy học trực tuyến phù hợp; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập.
Nhóm 2: Nhóm học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được. Với nhóm học sinh này, hiệu trưởng các trường học chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua zalo, Facebook hoặc gửi tài liệu đến các em học sinh.
Nhóm 3: Nhóm học sinh không thể học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được. Nhóm học này nhà trường phải tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự giúp đỡ của hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên, Mặt trận thôn...; phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến” để giúp đỡ các em học tập./.