Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực STEM

Thứ ba, 26/09/2023 16:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- TS. Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở nước ta, kể từ Đại hội XI của Đảng, phát triển nguồn nhân lực luôn được coi là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chủ trì Hội thảo.

 TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết: tại Mỹ, đầu những năm 90 đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM. Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành,.... Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology,  Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.

Hiện tại, Giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các  nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Úc, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giáo dục STEM đang là xu hướng giáo dục lớn thứ hai tại Trung Quốc và Hàn Quốc sau phong trào học tiếng Anh.

Ở Việt Nam, những năm qua, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, xu thế tự chủ và tích cực hội nhập của các trường đại học, chúng ta tự hào giáo dục đại học Việt Nam đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng và trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam còn thấp, còn nhiều "điểm nghẽn" trong giáo dục….

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo  báo cáo đề dẫn.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở nước ta, kể từ Đại hội XI của Đảng, phát triển nguồn nhân lực luôn được coi là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trình độ phát triển của Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này có vai trò quyết định tới việc tạo ra các giá trị của cải vật chất của mỗi quốc gia, là cơ sở nền tảng của một nền kinh tế thịnh vượng trong thế kỉ 21. Vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM. Tại Việt Nam, năm 2017, Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 về “tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về “một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trong đó, thúc đẩy giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học là những nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh.

Gần đây nhất, vai trò quan trọng của Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học tiếp tục được nhấn mạnh, thể hiện trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác giữa các cơ quan học thuật hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm thông qua các sáng kiến hợp tác nghiên cứu, các khóa đào tạo, trao đổi chuyên gia và các chương trình trao đổi tập trung vào Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học”.

Trong thời gian qua, việc thúc đẩy đào tạo các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học đã được quan tâm và triển khai ở cấp học phổ thông qua các hình thức tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, về tổng thể, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa có được chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM. Chính sách đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng nhân lực STEM chưa đủ mạnh để thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực STEM. Giáo dục STEM ở phổ thông mới tập trung nhiều vào phương pháp và hình thức tổ chức thực hiện mà chưa gắn kết chặt chẽ với công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh về nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực STEM, nhưng sự quan tâm, đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Sau tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp trong các lĩnh vực STEM chiếm tỉ lệ nhỏ, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực thời gian tới.

 Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận các vấn đề như:Thực trạng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nguồn nhân lực về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học tại Việt Nam. Chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực STEM giai đoạn vừa qua. Nguyên nhân xu hướng lựa chọn theo học các ngành STEM của học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có xu hướng giảm. Nhiều ngành đào tạo truyền thống, cơ bản về Kĩ thuật, Công nghệ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiều lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, … rất khó khăn trong tuyển sinh, thậm chí có những ngành không tuyển sinh được.

Cùng với đó, giới thiệu, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm tốt của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước về đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM; kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, nhất là của các nước trong khu vực về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM, làm cơ sở tham khảo cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nguồn nhân lực STEM tại Việt Nam thời gian tới.  Đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đủ mạnh để tạo đột phá trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học gắn với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030; nhất là sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả của Hội thảo khoa học ngày hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, đường lối trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện mục tiêu  chiến lược phát triển đất nước “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng./.

Tin, ảnh: TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực