Phát huy hiệu quả việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong hoạt động giáo dục

Thứ tư, 07/12/2022 21:57
(ĐCSVN) - Học sinh ở nhà trường phổ thông đang trong lứa tuổi cần được sống trong vòng tay chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nhiều cha mẹ phải “ly hương” đi làm ăn xa. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục các em học sinh ở nhà trường phổ thông hiện nay.

Trong những năm gần đây, ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, tỷ lệ người dân đi làm ăn, lao động kiếm sống ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động khá cao do cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp.

Sau mỗi chuyến ly hương, bên cạnh những mặt tích cực là nhiều hộ dân có cơ hội đổi đời, cải thiện cuộc sống, có điều kiện để xây dựng nhà cửa, có vốn để kinh doanh, giải quyết tình trạng dư thừa lao động tại chỗ thì cũng có những hệ lụy diễn ra; trong đó, có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, giáo dục học sinh do những bất cập trong phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.  

Học sinh phổ thông, lứa tuổi cần được sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. (Ảnh minh họa)

Khi cha mẹ đi lao động ở nơi xa, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất chính là những đứa trẻ. Chúng vốn đang ở tuổi ăn, tuổi học, sống trong vòng tay cha mẹ, nay cha mẹ đều ly hương, gửi lại ông bà, người thân hoặc để các em sống một mình ở nhà sẽ khiến phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực khi cha mẹ vắng nhà.

Khi khảo sát hành vi tiêu cực ở những học sinh có cha mẹ ly hương, đi làm ăn xa, chúng tôi nhận thấy các nhóm hành vi có những biểu hiện khá phức tạp theo các mức độ tăng dần. Cụ thể như buồn chán, lơ là trong học tập, mặc cảm, hay phát ngôn bừa bãi, nói tục, luôn cảm thấy mất phương hướng; hay có biểu hiện bạo lực học đường, có hành vi sử dụng mạng xã hội không đúng quy chuẩn...Đồng thời, do không tạo được sự liên kết giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh nên việc thường xuyên trao đổi thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh để nắm bắt tình hình học tập của học sinh rất hạn chế, ít tạo nên sự tương tác hai chiều và khó khăn khi giải quyết những vướng mắc của học sinh tại nhà trường. 

Trước thực trạng học sinh phổ thông có cha mẹ ly hương, đi làm xa, không có sự chăm sóc, quản lý của cha mẹ, có nhiều biểu hiện của những hành vi tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và quá trình học tập của các em, các nhà trường cần có biện pháp hỗ trợ tâm lý để các em tránh biểu hiện những hành vi xấu, yên tâm học tập. Tùy từng đối tượng, các thầy cô giáo, các nhóm tư vấn tâm lý cần có những biện pháp hữu hiệu để giúp đối tượng học sinh trên trở lại học đường.

Giáo viên chủ nhiệm phát huy vai trò trong việc nắm bắt, phát hiện kịp thời đối tượng học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa để có biện pháp quản lý, giáo dục. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm sẽ có biện pháp như trò chuyện, động viên, thăm hỏi để tạo sự thân thiện, gần gũi với các em.

Các nhà trường thành lập ban tư vấn tâm lý gồm cả giáo viên và học sinh để tạo cơ hội cho những học sinh thuộc đối tượng trên được tư vấn về tâm lý học đường. Hoạt động của ban tư vấn tâm lý sẽ giúp các em được chia sẻ những khó khăn của bản thân. Từ đó, mỗi học sinh nhận thức được hoàn cảnh của mình, có được kỹ năng sống làm chủ bản thân, biết vượt lên khó khăn, nghịch cảnh để làm chủ hoàn cảnh.

Các đoàn thể, câu lạc bộ trong nhà trường cần phát huy vai trò trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, nhóm theo sở thích để đưa các em học sinh thuộc đối tượng trên vào các hoạt động tập thể lành mạnh, hữu ích, giúp các em quên đi những khó khăn do gia đình mang lại. Phát huy thường xuyên vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường để mỗi bậc phụ huynh nhận thức được vai trò của cha mẹ và gia đình trong giáo dục con em. Nhà trường tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các cá nhân để chung tay giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, giúp các em vơi bớt những khó khăn để có thêm động lực học tập, rèn luyện.

Diễn đàn "Mục đích học tập của học sinh THPT" tại Trường THPT Hạ Hoà - Phú Thọ. 

Tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt chi đoàn, ngoại khóa, diễn đàn về chủ đề gia đình, giáo dục kỹ năng sống để các em thêm yêu thương gia đình, có ý chí vượt lên khó khăn để học tập tốt hơn. Thông qua những tiết chào cờ, buổi hoạt động ngoại khóa nhà trường, lớp học cần lồng ghép các hoạt động văn hóa theo chủ đề của từng tuần, từng tháng, hay các đợt thi đua theo phong trào, đặc biệt là hoạt động tư vấn tâm lý để giúp đỡ học sinh một cách bổ ích và sinh động.

Cha mẹ, gia đình và tình yêu thương, sự chăm sóc là suối nguồn tạo nên nhân cách, động lực và kỹ năng cho học sinh ở lứa tuổi học đường. Dẫu biết rằng, vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ phải "ly hương" mưu sinh để có thêm nguồn thu lo cho cuộc sống gia đình, lo cho việc học tập của các con. Song, nếu như có giải pháp sắp xếp hợp lý để vừa lao động, vừa quan tâm được đến cuộc sống cũng như việc học tập của con em mình thì chắc chắn, các em học sinh sẽ luôn được quan tâm, dạy bảo và uốn nắn từ phía gia đình. Điều đó sẽ tạo nên sợi dây liên kết thường xuyên, kịp thời và hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh hiện nay./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực