|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngày 19/10, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới thăm và làm việc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dự buổi làm việc có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Xuất bản; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ.
Báo cáo hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) cho biết: Trường ĐHKHXH&NV (VNU-USSH) là một thành viên nòng cốt của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của xã hội, tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là công tác báo chí, xuất bản và truyền thông, ngày càng có vai trò hết sức quan trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã không ngừng nỗ lực và đầu tư trong việc đào tạo và nghiên cứu. Trường đã thành lập Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, một trong hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về báo chí truyền thông tại Việt Nam, trong những năm qua đã có sự phát triển, hội nhập mạnh mẽ. Đặc biệt hiện nay, Trường ĐHKHXH&NV đang thúc đẩy chương trình hợp tác toàn diện với Đại học Viên của Áo về đào tạo báo chí truyền thông quốc tế. Trường cũng đã mở rộng lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là ngành Truyền thông chính trị, một ngành mới mẻ nhưng cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
|
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn báo cáo hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản của trường. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào trong công tác giáo dục, đào tạo khoa học xã hội và nhân văn nói chung, công tác đào tạo báo chí, truyền thông nói riêng của nhà trường trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, cùng với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông cả nước, nhà trường không ngừng nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, cập nhật, áp dụng những kỹ năng, kiến thức mới, hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng phóng viên báo chí, truyền thông góp phần đáng kể vào sự phát triển, trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí, truyền thông của cả nước.
Báo chí, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, là phương tiện, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Để thực hiện tốt chức năng, sứ mệnh cách mạng vẻ vang đó, việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói yếu tố có tính quyết định.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Để Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu nhà trường phải ý thức rất rõ vai trò, vị trí một cơ sở đào tạo cán bộ khoa học xã hội nhân văn quan trọng, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông của cả nước. Làm sao để trường thực sự trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, góp phần thiết thực xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trên cả nước; với các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, truyền thông. Phải có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ.
Ngoài ra trường cũng cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại. Cần ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông; truyền thụ được phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mỗi sinh viên làm sao để sinh viên sau khi tốt nghiệp phải là một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận tư tưởng của Đảng./.