Xây dựng giáo dục Thừa Thiên Huế đạt chuẩn mô hình trường kiểu mẫu xanh, an toàn, thông minh và hạnh phúc

Thứ tư, 06/07/2022 18:15
(ĐCSVN) - Với đặc thù là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hệ thống giáo dục đặc sắc, Thừa Thiên Huế cần xây dựng một nền giáo dục giàu bản sắc văn hóa, có tố chất của con người xứ Huế. Duy trì tốt nề nếp, giáo dục gìn giữ các yếu tố văn hóa truyền thống và đạo đức ứng xử văn hóa cho học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo

Chiều ngày 06/7, Đoàn công tác của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển Giáo dục và Đào tạo và công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

 Làm việc với Đoàn công tác, có đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho biết, toàn tỉnh hiện có 568 trường mầm non và phổ thông; có 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 16.368 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông. Trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 90,9%. Có 384 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 66,7%; có 484 trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, đạt tỉ lệ 83,9%. Trong năm 2022, nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho Ngành Giáo dục là 388,936 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời, chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn đều đạt kết quả cao, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoại khóa phát triển thể chất, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và đạo đức cho học sinh được quan tâm đúng mức. Quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để Đại học Huế, các cơ sở đào tạo trên địa bàn phát triển; đặc biệt bố trí quỹ đất và các điều kiện giải phóng mặt bằng giúp Đại học Huế hoàn chỉnh Khu đô thị Đại học.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi cơ bản đã hoàn thành. Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho kỳ thi, nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19, phòng chống cháy và công tác an toàn bảo mật.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, địa phương luôn xác định nhiệm vụ xuyên suốt xây dựng tỉnh nhà là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng giáo dục Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng đạt chuẩn, chất lượng và tiếp tục hướng đến hình thành mô hình trường kiểu mẫu với các tiêu chí: xanh, an toàn, thông minh và hạnh phúc; tạo ra những điều kiện dạy và học thuận lợi tốt nhất có thể có được cho giáo viên và học sinh.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, địa phương đã chủ động khắc phục và đạt được nhiều kết quả khả quan ở tất cả các bậc học; quan tâm thích đáng đối với các vùng miền núi, vùng khó khăn.

Đồng chí Bộ trưởng nhấn mạnh, với đặc thù là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hệ thống giáo dục đặc sắc, Thừa Thiên Huế cần xây dựng một nền giáo dục giàu bản sắc văn hóa Huế, có tố chất của con người xứ Huế. Duy trì tốt nề nếp, giáo dục gìn giữ các yếu tố văn hóa truyền thống và đạo đức ứng xử văn hóa cho học sinh, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn đến các mô hình hoạt động, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các trường Đại học trên địa bàn, góp phần cho Đại học Huế ngày càng phát triển. Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung quan tâm cơ sở vật chất trường học, quan tâm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Xây dựng nền giáo dục thực chất, tiếp tục tiến hành rà soát bổ sung các giải pháp đảm bảo chất lượng thật trong giáo dục, đó là: dạy thật, học thật, đánh giá sát thật, thi thật và báo cáo thật./.

Tin,ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực