|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc với BTV Huyện ủy Quang Bình chiều 24/5. (Ảnh: Kim Tiến)
|
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Quang Bình chiều 24/5, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2023 là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, do đó huyện Quang Bình cần quyết tâm, quyết liệt, đoàn kết, thống nhất để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị huyện Quang Bình cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đề cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá giữa nhiệm kỳ, nhìn nhận rõ hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp sát thực tiễn, trong đó cần đặc biệt quan tâm chỉ tiêu giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người, công tác thu ngân sách, tỷ lệ đô thị hóa.
Huyện Quang Bình cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về nhiệm vụ phấn đấu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2025; xây dựng lộ trình, giải pháp, tập trung nguồn lực thực hiện cụ thể. Tập trung đột phá trong nông nghiệp; xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển theo hướng hàng hóa. Thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển sản phẩm OCOP một cách thực chất, làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo thành tích; tính toán, thiết kế khuôn viên vườn và xem xét thổ nhưỡng để đưa các loại cây trồng phù hợp vào trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Cùng với đó, cần quan tâm công tác giáo dục; nâng cao chất lượng các trường đạt chuẩn; huy động các nguồn lực cho công tác an sinh xã hội. Chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai. Tập trung các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ nguồn chi; đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiệu quả...
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng nho tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. (Ảnh: Kim Tiến)
|
Theo báo cáo tại buổi làm việc, huyện Quang Bình hiện có 9/14 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; tổng số có 207 tiêu chí đạt chuẩn; còn 59 tiêu chí chưa đạt. Từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp ổn định; tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân đạt trên 5.850 ha; huyện lựa chọn đột phá phát triển nông, lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa. Toàn huyện hiện có 27 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 2 - 3 sao.
Thu ngân sách trên địa bàn tính đến 15/5/2023 đạt trên 12,4 tỷ đồng, đạt 12,15% kế hoạch; giải ngân các nguồn vốn đạt trên 13,5 tỷ đồng, đạt 11,15% kế hoạch vốn giao. Huyện quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng; vận động, tuyên truyền 235 hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ các xã; đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm. Các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh; lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm…
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã Xuân Giang và Nà Khương, huyện Quang Bình.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tặng quà động viên gia đình bà Hoàng Thị Cử, thôn Chung, xã Xuân Giang. (Ảnh: Kim Tiến) |
Tại các nơi đến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận, đánh giá cao các gia đình đã tích cực tham gia cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi để mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cải tạo vườn tạp đảm bảo thực chất, trồng những loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; khuyến khích các hộ dân tham gia trồng thành khu vực tập trung để tạo thành hàng hóa.
Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tới việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; liên kết sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhất là xây dựng đường bê tông nông thôn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống.../.