Hội thảo khoa học "Danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch"

Thứ sáu, 13/09/2019 14:55
(ĐCSVN) – Tại hội thảo, 26 báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ các nội dung về thân thế, cuộc đời của danh nhân Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) và giá trị lịch sử - văn hóa Di tích căn cứ Dạ Trạch.

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: QĐND)

Ngày 11/9 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học "Danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch" tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên).

Tham dự hội thảo có: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, và đại diện một số ban, ngành, đơn vị khác.

Tại hội thảo,  đồng chí Đỗ Tiến Sỹ – Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương là một trong những trang sử vẻ vang và hào hùng. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn, giúp nước Vạn Xuân non trẻ do vua Lý Nam Đế sáng lập vượt qua được những biến cố lịch sử to lớn, tiếp tục giữ vững được nền độc lập.

Theo đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, với nguồn tư liệu mới, những bài nghiên cứu của các nhà khoa học, những tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà quản lý sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học, sâu sắc và toàn diện, làm rõ thêm nhiều vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Triệu Việt Vương. Qua đó, khẳng định tài năng, nghệ thuật quân sự, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương do danh nhân Triệu Việt Vương lãnh đạo trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử tỉnh Hưng Yên nói riêng, đồng thời hệ thống hóa các nguồn tư liệu có liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương.

Trong phần phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương  giai đoạn 547-550, Triệu Việt Vương là người lãnh đạo, có vai trò quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tài năng và nghệ thuật quân sự của Triệu Việt Vương thể hiện ở sự chủ động chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến kịp thời, hiệu quả; giữ đất hiểm, vận dụng cách đánh du kích, tiêu hao địch, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến; nắm thời cơ, chủ động tổ chức phản công lớn quét sạch quân thù khỏi đất nước. Đây là những bài học lịch sử có ý nghĩa to lớn, sâu sắc và là đóng góp lý luận quan trọng của Triệu Việt Vương trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Bài vị Triệu Quang Phục được đặt tại xã Dạ Trạch, Khoái Châu, Hưng Yên (Ảnh: hungyentv.vn)

Tại hội thảo, 26 báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ các nội dung về thân thế, cuộc đời của danh nhân Triệu Việt Vương; Triệu Việt Vương với căn cứ Dạ Trạch và quê hương Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc; phát huy giá trị lịch sử - văn hóa Di tích căn cứ Dạ Trạch. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc, các ý kiến, tham luận sẽ là tài liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích gắn với danh nhân Triệu Việt Vương... Thời gian tới, các đại biểu cần tiếp tục dành thời gian cho việc nghiên cứu, khảo cứu để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến danh nhân Triệu Việt Vương và căn cứ Dạ Trạch như: Quê quán cụ thể của danh nhân Triệu Việt Vương; phạm vi địa giới của đầm Dạ Trạch...

Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) con của danh tướng Triệu Túc, tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, lập nên nước Vạn Xuân năm 544. Khi quân Lương trở lại xâm lược, cuối năm 546, tại động Khuất Lão, Triệu Quang Phục được vua Lý Nam Đế giao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến. Triệu Quang Phục đã chọn Dạ Trạch làm căn cứ. Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục xưng vương tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nhằm tri ân công lao to lớn của Triệu Việt Vương, nhân dân các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình và nhiều địa phương khác đã xây dựng các di tích thờ Triệu Việt Vương.

Tại tỉnh Hưng Yên, di tích đền thờ Triệu Việt Vương đã được phục dựng với quy mô lớn tại xã Dạ Trạch (Khoái Châu), nơi đền thờ Triệu Việt Vương trước đây đã bị thực dân Pháp phá hoại, thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với người anh hùng dân tộc Triệu Việt Vương đã có đóng góp quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử tỉnh Hưng Yên nói riêng./.

Song Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực