Cụ thể, chuyên đề học tập năm 2014 là: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm’’ và năm 2016 là chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm”.
Các tài liệu học tập nhấn mạnh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng: Nói thì phải làm, xây đi đôi với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Về quan điểm “nói đi đôi với làm”:
Nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không xuyên tạc, nói sai:
- Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
- Để nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin. Hồ Chí Minh coi lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Phải kiên quyết chống bệnh chủ quan “khinh lý luận”. Người thường nhắc một luận điểm cực kỳ quan trọng của Lê-nin: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có Đảng nào có được lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong.
Không được “nói một đàng làm một nẻo”:
- Theo Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước.
- Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa,… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng.
- Để chống việc nói một đàng làm một nẻo còn cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung đại khái, dẫn đến nói chung, ai cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách “tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã…”.
Không được hứa mà không làm:
- Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ việc nhỏ đến việc lớn mang ý nghĩa thiết thực, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.
- Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”
- Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Theo tài liệu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014, 2016, Ban Tuyên giáo Trung ương.