Đại hội VII: "Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng"

Thứ hai, 15/06/2020 09:07
Tại Đại hội VII, việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đánh dấu một bước tiến mới về đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng.

Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) đã tổng kết 5 năm đổi mới (1986-1990), khẳng định đường lối đổi mới là đúng đắn và bước đi phù hợp với thực tiễn. Thành công lớn của Đại hội VII là đã đề ra: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (1990-2000). Đại hội khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Có thể nói, từ Đại hội VI đến Đại hội VII, những quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được hình thành trên những nét chủ yếu nhất. Cùng với thành tựu cơ bản đó việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, đánh dấu một bước tiến mới về đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng.

Về đối ngoại, Đại hội VII khẳng định: ''Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển''.

Mục tiêu tổng quát của 5 năm (1991-1996) là ''vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay''.

Đại hội VII của Đảng đã đánh giá công tác tư tưởng 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội VI (1986-1990) và chỉ rõ nhiệm vụ công tác tư tưởng 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội VII (1991-1996). Đánh giá công tác tư tưởng, Đại hội VII đã khẳng định: ''Công tác tư tưởng đã được coi trọng, góp phần đổi mới tư duy, định hướng tư tưởng, bồi dưỡng những nhận thức đúng đắn cho đảng viên và nhân dân, tạo ra sự nhất trí đối với đường lối, quan điểm của Đảng, tuyên truyền những nhân tố mới, phổ biến những kinh nghiệm tốt, đồng thời tích cực đấu tranh chống tiêu cực, chống những quan điểm và nhận thức sai trái, bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng”. Đại hội VII cũng đánh giá cao các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin báo chí.

Mặt yếu và khuyết điểm của công tác tư tưởng là nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh trong công cuộc đổi mới chưa được làm sáng tỏ. Trong Đảng vừa có những biểu hiện bảo thủ không chịu đổi mới, vừa có khuynh hướng nóng vội, rập khuôn cách làm của nước khác, cũng có cả tư tưởng dao động, cơ hội chính trị, mức hưởng thụ văn hoá, văn nghệ của đông đảo nhân dân còn thấp. Đã xuất hiện một số tư tưởng lệch lạc, coi nhẹ văn nghệ dân tộc và cách mạng, nhìn xã hội toàn màu đen. Quản lý văn hoá tuy có đổi mới nhưng còn nhiều khuyết điểm, chưa quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, nhập phim, làm phim để cho các văn hoá phẩm độc hại phổ biến tràn lan gây hại lớn.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác tư tưởng 5 năm tới (1991 - 1996), nhiệm kỳ Đại hội VII khẳng định: Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác tư tưởng lý luận, tập trung vào các nội dung: ''Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những quan điểm, đường lối của Đảng. Bồi dưỡng tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực, tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nêu cao cảnh giác chống mọi âm mưu và thủ đoạn chia rẽ, phá hoại của kẻ thù đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tổ chức tốt công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng chủ trương chính sách của Đảng, lý giải những vấn đề mới mà cuộc sống đặt ra. Đổi mới căn bản công tác giáo dục chính trị, lý luận''. “Tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá Việt Nam, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại... Khuyến khích tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện con người, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp, đề cao tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường…

Phát triển sự nghiệp thông tin, báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin và nâng cao kiến thức mọi mặt cho nhân dân. Tăng đầu tư phương tiện phát thanh, truyền hình, đưa thông tin đến mọi vùng của đất nước, đến phần lớn các gia đình, nhất là ở nông thôn và miền núi. Coi trọng công tác tuyên truyền đối ngoại. Quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, thông tin, báo chí, phim ảnh...''.

Theo Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), trang 198-199

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực