20 sáng kiến được trao giải “Sáng kiến vì cộng đồng”

Thứ sáu, 25/12/2020 16:44
(ĐCSVN) – Với trên 400 hồ sơ đăng ký tham dự, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 20 sáng kiến để trao giải cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” vào tối 26/12 tại Hà Nội, gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
 Hội thảo “Chia sẻ Sáng kiến vì cộng đồng - nhân rộng và kết nối”. (Ảnh: BL)

Ngày 25/12, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Chia sẻ Sáng kiến vì cộng đồng - nhân rộng và kết nối”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ III năm 2020 nhằm tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội.

Năm 2020, với trên 400 hồ sơ sáng kiến đăng ký tham gia bình xét, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 20 hồ sơ dự án để trao giải vào tối 26/12 tại Hà Nội, gồm 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.

Hai giải Nhất thuộc về sáng kiến "Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng" của nhóm tác giả Võ Văn Phương, Lê Văn Phú, Nguyễn Hoàng Nhân, Lê Hoài Sơn (Đà Nẵng); "Kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục hòa nhập" của tác giả Đỗ Thị Hoàng Mai (Trường Tiểu học nông nghiệp, Hà Nội).

Ba giải Nhì thuộc về các sáng kiến: "Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp" của các kiến trúc sư Bùi Thế Long, Võ Thế Duy, Nguyễn Thị Xuân Thành (Thành phố Hồ Chí Minh); "Chương trình Nhà chống lũ" của tác giả Phạm Thị Hương Giang (Thành phố Hồ Chí Minh); "Đầu kéo xe lăn dành cho người khuyết tật" của tác giả Lê Huy Tích (Hòa Bình).

Chia sẻ tại hội thảo, kiến trúc sư Bùi Thế Long - đại diện nhóm sáng kiến Mô hình nhà tình thương kinh phí thấp cho biết, mấu chốt của nhà tình thương là nhằm giải quyết được vấn đề kinh phí, thời gian và phương thức xây dựng nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu thiết yếu, tạo ra hình thái kiến trúc địa phương. Sáng kiến này sẽ giúp hoàn thành nhà tình thương chỉ với 50 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Hương Giang, tác giả sáng kiến "Chương trình Nhà chống lũ", chia sẻ, mục tiêu của chương trình Nhà chống lũ là hỗ trợ các gia đình nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam dưới quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ và quy mô làng, nhóm cộng đồng nhằm nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai bằng cách cải tạo các ngôi nhà bị hư hỏng do thiên tai và xây dựng những ngôi nhà kiên cố có khả năng chống chịu tốt với thiên tai. Do đại dịch COVID-19, các gia đình ở nông thôn Việt Nam ngày càng gặp nhiều vấn đề hơn khi vừa phải lo mưu sinh vừa phải tiết kiệm tiền xây nhà mới.

Chương trình Nhà chống lũ có 2 dự án, gồm: Nhà An toàn và Làng Hạnh phúc. Đối với Nhà An toàn, mục đích đầu tiên của dự án vào năm 2011 là hỗ trợ 73 hộ nghèo ở 5 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế xây nhà kiên cố sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt và thiên tai hằng năm. Với Làng Hạnh phúc, trong giai đoạn 5 năm 2020 – 2025, dự án hỗ trợ 2 cộng đồng dân tộc thiểu số tại Nam Trà My và Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đáp ứng nhu cầu nhà ở theo các giá trị kiến trúc bản địa, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khôi phục giá trị văn hóa bản địa của hai dân tộc Xơ Đăng và Ca Dong.

Theo Ban Tổ chức, cuộc thi được tổ chức hai năm một lần, với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề cộng đồng, xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, đóng góp vào sự phát triển bễn vững chung của đất nước./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực