Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong phát triển tài sản trí tuệ

Thứ hai, 19/04/2021 10:27
(ĐCSVN) – Có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vốn chiếm cấu phần lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, con số này lần lượt là 97% và 47%… đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới đã lựa chọn SMEs vào vị trí trung tâm để tôn vinh và khuyến khích họ trong Ngày SHTT thế giới năm 2021.
Ảnh minh họa. Nguồn: BL 

Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và chủ đề ngày này năm nay là gì?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa - mang ý tưởng đến với thị trường”. Đây là thông điệp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch này.

Có thể nói, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm một cấu phần lớn trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, SMEs chiếm tỷ 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp tới 45% GDP, 31% tổng thu NSNN và tạo ra hơn 5 triệu việc làm, thành lực lượng nòng cốt, hỗ trợ nền kinh tế trụ vững và có bước tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Do vậy, thông điệp năm nay đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này.

Bên cạnh đó, cũng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) là những doanh nghiệp có tiềm năng nắm bắt cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể đem lại tốt nhất trong bối cảnh này. Với sự khéo léo, sáng tạo và dũng cảm, các SMEs có thể biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ, đưa các tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội.

Chính vì vậy, WIPO đã lựa chọn SMEs để tôn vinh và khuyến khích trong Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021.

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí. Ảnh: T.K 

PV: Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Vậy, để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các SMEs, Cục Sở hữu trí tuệ có chiến lược và giải pháp gì, thưa ông?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Hệ thống sở hữu trí tuệ về bản chất là để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các SMEs nói riêng. Chính vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Các quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn.

Cùng với đó, hệ thống tự động hóa công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, nộp đơn trực tuyến đang được áp dụng tại Cục Sở hữu trí tuệ, giúp người nộp đơn được tiếp cận thông tin minh bạch, chính xác và thuận tiện. Việc gia nhập các hệ thống đăng ký đơn sở hữu công nghiệp quốc tế, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác kinh tế với cấu phần sở hữu trí tuệ chiếm tỉ trọng lớn, đã và đang tạo ra các thuận lợi pháp lý tốt nhất về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Hiện nay, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hai văn bản quan trọng đã được ban hành gồm: Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030, cũng đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, cho thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong định hướng hoạt động của toàn hệ thống sở hữu trí tuệ.

Một trong những giải pháp quan trọng được nêu trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 là triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển tài sản trí tuệ, đưa SMEs thành một nhóm đối tượng cụ thể và quan trọng trong Chiến lược.

Trong khi đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2021 - 2030, được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là đối tượng được phục vụ trọng tâm của Cục Sở hữu trí tuệ.

Tôi hi vọng những nỗ lực của chúng tôi sẽ thu được những kết quả tốt đẹp với số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp này về hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi, chất lượng của công tác xử lý đơn được nâng cao, góp phần thúc đẩy thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế đất nước.

PV: Vừa qua, sự kiện vải thiều Lục Ngạn của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, góp phần quảng bá cho nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Ông có thể chia sẻ vai trò của Cục Sở Hữu trí tuệ trong sự kiện ý nghĩa này?

Cục trưởng Đinh Hữu Phí: Có thể thấy, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, vải thiều Lục Ngạn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản, viết tiếp câu chuyện về các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, góp phần quảng bá cho một đất nước Việt Nam nhiều sản phẩm đặc thù, có danh tiếng, chất lượng cao, có một nền nông nghiệp phát triển.

Đây là một minh chứng rõ nét của mô hình sử dụng sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm gắn với các địa danh của Việt Nam vươn ra thế giới.

Để làm được điều này, có sự đóng góp, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều ngành, nhiều thành phần và Cục Sở hữu trí tuệ đã góp một phần công sức quan trọng đem lại những lợi thế bằng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý vừa mới đây.

Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp chặt chẽ ở nhiều cấp với các cơ quan liên quan của Nhật Bản, thông qua các kênh ngoại giao, hợp tác song phương, tác động đẩy nhanh quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Cục đã hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của pháp luật Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, để vải thiều Lục Ngạn đến đích sớm nhất trong số 3 sản phẩm đặc thù đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực