Ngành Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ

Thứ ba, 12/01/2021 21:54
(ĐCSVN)- Ngành thông tin và truyền thông chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển.

Ngày 12/1 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức dự Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Quang Hiếu)

Công nghiệp ICT trở thành ngành xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự chuyển đổi này. Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình, nhìn rõ các thách thức và xác định đúng không gian sống mới đóng vai trò quyết định cho mọi sự phát triển. 

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm qua, tất cả gần 60.000 các đơn vị trong ngành, trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành đã làm việc ngày đêm, góp phần vào sự phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
 Nguồn: VTV

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả minh chứng bằng nhưng con số thật sự ấn tượng, khẳng định tinh thần “Nói được là làm được”, góp phần tạo nên tự hào Việt Nam, nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (ICT) tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; Chính phủ điện tử tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.

Lĩnh vực bưu chính luôn có mức tăng trưởng cao, tăng trưởng doanh thu trung bình trên 30%/năm. Năm 2020 vừa qua, chúng ta đã thử nghiệm thành công thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G.

Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.

Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.

Năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chiến lược Make in Viet Nam. Số doanh nghiệp công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: ĐT)

Nhận định về con đường phát triển phía trước của Ngành, của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của Ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm (2021-2025) để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4, chuyển đổi số.

Từ những nhận thức mới và tầm nhìn mới, các đơn vị trong ngành TT&TT sẽ phải cụ thể hoá thành các chương trình hành động. Chỉ thị 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ rõ những việc mà ngành TT&TT phải làm. Với tinh thần là: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng, sứ mệnh lớn, mục tiêu cao, cách tiếp cận mới, giải pháp đột phá, việc 5 năm làm trong 1 năm, phát triển nhanh và bền vững, qua đó mà xuất hiện người hiền tài cho ngành, cho đất nước...

Thời cơ và cũng là sự thôi thúc lịch sử

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và trân trọng cảm ơn nỗ lực của tất cả những người làm công nghệ thông tin, truyền thông, và những người đã cùng đồng hành với ngành thông tin-truyền thông, từ Trung ương đến địa phương, cùng nhau vượt qua những khó khăn chưa từng có, đạt được được những thành tích rất đáng tự hào.

Phó Thủ tướng chia sẻ ngay từ những ngày đầu xuất hiện thông tin về dịch bệnh COVID-19, Bộ TT&TT, các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin lớn đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin từ hệ thống kết nối các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 đến thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, theo dấu các ca nhiễm… Những điều đó đã tiếp thêm sức mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ điện tử ở Việt Nam, điển hình như cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giáo dục trực tuyến, làm việc trực tuyến…

Nhắc đến vai trò hết sức quan trọng của việc nâng cao dân trí trong bối cảnh cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng, qua mấy năm kiên trì, văn hóa đọc đã được khơi dậy, phục hồi dần sau một thời gian phần nào bị quên lãng. Đây là điều vô cùng đáng quý, bởi “một dân tộc muốn hùng mạnh trước hết phải không được dốt, nhất thiết phải học, nhất thiết phải đọc”.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: ĐT)

Về những một số vấn đề cần tập trung trong thời gian tới, trước hết Phó Thủ tướng nhắc lại sứ mệnh tiên phong, đi đầu của ngành bưu điện khi đất nước bắt đầu đổi mới cách đây hơn 30 năm đã làm được những việc tưởng chừng như không thể với tinh thần “không nghĩ theo cách cũ, làm theo cách mới”. Việt Nam đã là một trong những nước sớm chuyển sang công nghệ kỹ thuật số trên thế giới. Ngành bưu điện không chỉ phục vụ phát triến kinh tế-xã hội mà còn mở ra cách làm mới, không tính toán trên quy luật bình thường mà khơi dậy tiềm năng để đi tắt, đón đầu. Và dường như sứ mệnh tiên phong của ngành bưu điện đã được chuyển giao cho ngành công nghệ thông tin, viễn thông. Thực tế năm 2020 cho thấy ngành công nghệ thông tin, viễn thông có thể tìm ra những cách thức mới để đi lên mạnh mẽ hơn, đạt được những điều tưởng chừng như không thể.

Từ sự chuyển đổi của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sang thành DN công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng nếu các DN công nghệ thông tin lớn không chuyển đổi mạnh hơn thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang đứng trước thời cơ và cũng là sự thôi thúc lịch sử, phải kế thừa và phát huy truyền thống tiên phong đổi mới của ngành bưu điện trước đây.

Liên quan đến việc chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết trước đây khi nói về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử hay chuyển đổi số, thường nói đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc các ngành tài chính, ngân hàng nhưng thời gian qua làm từ chỗ hiện đại nhất xuống nhưng hiện nay có thể khẳng định muốn đẩy nhanh việc này, cần làm hai mũi từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất, nghĩa là làm ngược lại, làm từ dưới lên. Nếu làm tốt thì mới có thể vượt được những nước đi trước.

“Nếu tất cả người dân Việt Nam đều có điện thoại thông minh, được cài đặt những dịch vụ công cơ bản, cùng với thúc đẩy thanh toán di động, trực tuyến thì cả xã hội sẽ chuyển mình. Đây là thời cơ và cũng là sự thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, viễn thông. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương và cả địa phương”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “làm chính phủ điện tử, chính phủ số không khó như vẫn tưởng, chỉ cần chúng ta đồng lòng, quyết tâm và nhận thấy rằng nó giúp chính phủ, chính quyền minh bạch hơn, gần người dân hơn, thực sự vừa quản lý tốt, vừa phục vụ nhân dân thì chắc chắn sẽ làm được”.

Phó Thủ tướng kêu gọi các DN công nghệ thông tin, viễn thông tham gia vào các chương trình của Bộ TT&TT khởi xướng, tạo ra những nền tảng mở để các DN khác cùng phát triển các ứng dụng dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, với lợi thế quy mô thị trường, dân số để đi nhanh hơn, có những bước nhảy vọt mạnh mẽ về công nghệ thông tin, viễn thông.

"Số dân của Việt Nam gần 100 triệu người, đủ sức tạo bước nhảy vọt mạnh mẽ. Muốn tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sự sáng tạo của người dân Việt Nam, quy mô dân số, quy mô thị trường và sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Đây là thời cơ Việt Nam không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin tốt còn cho ra đời những sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước, còn chen chân được vào thị trường thế giới", Phó Thủ tướng gợi mở./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực