Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Thứ tư, 13/12/2023 21:56
(ĐCSVN) – Tại Hội thảo, bên cạnh các nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nền tảng không gian địa lý cho việc quản lý rác thải nhựa trên địa bàn Đà Nẵng; khảo sát thực địa về mức độ tiếp xúc với tiếng ồn của người điều khiển xe máy, các nghiên cứu cũng đề xuất về phương pháp “quản lý lưu vực” như một mô hình mới cho chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu…
Các nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo.

Ngày 12/12, Đại học Đông Á và Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề: “Mô hình mới về chiến lược chống biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 2 điểm cầu Đà Nẵng và Nhật Bản. Chương trình có sự tham gia của đại diện các sở ngành tại TP Đà Nẵng, các chuyên gia, học giả từ Viện AIIT, Nhật Bản và các nghiên cứu viên, giảng viên, sinh viên Đại học Đông Á.

Hội thảo quy tụ các nghiên cứu, phân tích về chiến lược chống biến đổi khí hậu và đề xuất các hướng tăng trưởng xanh cho phát triển bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh các nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nền tảng không gian địa lý cho việc quản lý rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; khảo sát thực địa về mức độ tiếp xúc với tiếng ồn của người điều khiển xe máy, các nghiên cứu cũng đề xuất về phương pháp “quản lý lưu vực” như một mô hình mới cho chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; xây dựng tuyến đường sắt mới sử dụng tàu hoả chạy pin để giảm chi phí đầu tư và cắt giảm lượng khí CO2,…

Theo GS. Mitsuhiro Maeda – Viện Công nghệ công nghiệp tiên tiến Nhật Bản (AIIT), trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, thế giới đã sử dụng cơ bản hai loại phương pháp, đó là Giảm thiểu (Mitigation) và Thích nghi (Adaptation). Phương pháp Giảm thiểu là phương pháp làm giảm sự tăng của CO2 và nhiệt độ trái đất. Vấn đề cơ bản của phương pháp này là không thể kỳ vọng kết quả cụ thể ngay cả khi đã đầu tư một lượng kinh phí lớn. Do vấn đề cơ bản này, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2022-COP27, xu hướng toàn cầu đã chuyển sang phương pháp Thích nghi. Đây là phương pháp chấp nhận sự tăng của CO2 và nhiệt độ, và phát triển biện pháp phòng chống thiên tai, và Quản lý lưu vực (Watershed Management) là một trong những chiến lược hiệu quả nhất thuộc nhóm Thích nghi. Đây cũng chính là phần mở đầu nội dung báo cáo tham luận “Phương pháp “quản lý lưu vực” như một mô hình mới cho chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu” được GS. Mitsuhiro Maeda trình bày tại hội thảo.

Trình bày trực tuyến từ “điểm cầu” Nhật Bản, từ các cứ liệu về việc cần phát triển đô thị cân bằng giữa việc tăng cường đa dạng hệ sinh thái và thích nghi với biến đổi khí hậu, ông Yoshiyuki Ito – Bộ phận Quy hoạch đô thị, Công ty CTI Engineering, Nhật cũng đề xuất phát triển đô thị dựa trên việc tăng cường hệ sinh thái lưu vực. Theo đó, phân tích lưu vực sử dụng Mô hình Độ cao Kỹ thuật Số (DEM), phân loại lưu vực thành hai loại, bao gồm Lưu vực bảo tồn hệ sinh thái - thúc đẩy bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học và Lưu vực phát triển đô thị - thúc đẩy sự phát triển đô thị để thích nghi với các thảm họa thời tiết ngày càng nghiêm trọng. Theo tác giả, tập trung vào lưu vực sẽ cho phép phân bổ hiệu quả hơn nguồn vốn phát triển đô thị; thêm vào đó, phát triển cơ sở hạ tầng để ứng phó với các thảm họa ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi chi phí cao hơn so với phát triển cơ sở hạ tầng thông thường. Do đó, sự kết hợp giữa Hỗ trợ Phát triển Chính thức của Nhật Bản (ODA) và nguồn vốn tư nhân địa phương có thể hiện thực hóa các dự án có chi phí cao này trong khi vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội thảo, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu cũng được ký kết giữa Đại học Đông Á và Viện AIIT, Nhật Bản. Theo đó, hai phía thúc đẩy để cùng phát triển hợp tác về học thuật, nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi giảng viên, trao đổi học liệu, ấn phẩm và các thông tin khoa học khác cũng như đồng tổ chức các hội thảo quốc tế ở các chủ đề khác nhau hằng năm.

 Tại Hội thảo, đại diện Đại học Đông Á và Viện AIIT, Nhật Bản ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á nhấn mạnh: “Việc kết hợp sức mạnh và kiến thức từ nhiều nguồn, cả quốc tế và địa phương, mang lại những lợi ích to lớn và đa chiều cho cả cộng đồng nghiên cứu và xã hội. Hợp tác nghiên cứu cung cấp cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các bên. Việc này không chỉ giúp nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn khuyến khích sự đổi mới trong phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tận dụng sự tập trung kiến thức đa dạng để phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp đồng bộ và hiệu quả về chống biến đổi khí hậu trong lĩnh vực quy hoạch, nông nghiệp, phát triển công nghệ sản xuất chế biến xanh, giao thông xanh,... Chỉ có sự đồng lòng, đồng thuận từ đa ngành, đa lĩnh vực, mới có thể tạo ra tác động tích cực và bền vững trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Trước đó, nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2023) tại Đại học Đông Á năm 2023, Hội thảo khoa học chủ đề “Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX – Những giá trị từ quá khứ đến hiện tại”; chuỗi hoạt động Lễ hội giao lưu văn hoá Việt – Nhật, Ngày hội việc làm Nhật Bản thường niên lần thứ 8, năm 2023; hội thảo khoa học chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Nhìn từ lịch sử, hướng về tương lai” cũng đã chính thức diễn ra./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực