Xây dựng đạo đức trí tuệ nhân tạo gắn với chuyển đổi số, môi trường số

Thứ tư, 03/11/2021 17:32
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng chính sách, xử lý những thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn; xây dựng chiến lược dữ liệu, luật dữ liệu, hành lang pháp lý về đạo đức trí tuệ nhân tạo; đạo đức trí tuệ nhân tạo cần gắn với chuyển đổi số và môi trường số.
 
leftcenterrightdel
 Hội thảo quốc tế với chủ đề "Đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo". Ảnh: BL

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo".

Hội thảo nhằm làm sáng tỏ những thách thức về phương diện đạo đức trí tuệ nhân tạo (AI) đối với đời sống xã hội; đồng thời đưa ra những kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa đối với những thay đổi trong thể chế, chính sách, pháp luật về đạo đức liên quan đến AI.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Đặng Nguyên Anh cho biết: Sự phát triển bùng nổ của Internet và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại những phát minh làm thay đổi hoàn toàn cách thức xã hội và con người vận hành dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, siêu tự động hóa và siêu kết nối.

Hiện nay, thế giới đã sản xuất ra các robot có thể suy nghĩ như con người với hệ thần kinh như là một phần của bộ não, có thể nghe, nhìn, chuyển động và sử dụng ngôn ngữ của con người. Trí tuệ nhân tạo còn giúp nhận dạng giọng nói, khuôn mặt, với khả năng lập luận, tự sửa lỗi... Sự phát triển mạnh mẽ của nó diễn ra rất nhanh, mang lại những lợi ích to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhiều quốc gia đang đặt ra kế hoạch đầy tham vọng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo với những đột phá lớn trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về trí tuệ nhân tạo mà con người chưa hiểu rõ, chưa thống nhất, khó có thể khẳng định hay lường trước được tác động xã hội, cũng như những tác động đến phạm trù đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo nên một thị trường lao động chia tách, phân mảnh với mức lương quá chênh lệch, làm trầm trọng thêm phân hóa và phân tầng xã hội...

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội mong rằng, thông qua hội thảo các chuyên gia cùng thảo luận, nhận diện được nội hàm và bản chất của các khái niệm, xem xét trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn đạo đức, đồng thời gợi mở và đề xuất định hướng chính sách, pháp luật phù hợp nhằm bảo đảm các quy chuẩn đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Theo ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa UNESCO Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trí tuệ nhân tạo trong tương lai có thể trực tiếp trở thành lực lượng sản xuất, thay thế và giải phóng sức lao động của con người.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, thách thức lớn, như các tiêu cực liên quan đến quyền và phẩm giá con người, mối quan hệ giữa con người, máy móc; xâm phạm quyền tự do cá nhân, các quyền cơ bản khác... UNESCO đã sớm nhận thấy điều này, nên cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo nhưng phải hạn chế các mặt tiêu cực.

Vì vậy, UNESCO đang xây dựng Dự thảo Khuyến nghị về Đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, xác định và nhấn mạnh các giá trị tích cực, các mặt tiêu cực, các nguyên tắc cơ bản của trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn cho việc phát triển, sử dụng có trách nhiệm các công nghệ trí tuệ nhân tạo, nguyên tắc về quản trị, cộng tác, thích ứng, nghĩa vụ của khu vực công và tư.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khuyến nghị, thời gian tới, Việt Nam tăng cường hợp tác với UNESCO trong lĩnh vực này, thúc đẩy nhận thức, giáo dục về trí tuệ nhân tạo, xây dựng chính sách phù hợp, xử lý những thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn.

Chia sẻ về xây dựng khung pháp luật cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, lợi ích do các ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại là điều không cần bàn cãi. Tuy vậy, đâu là thể chế thích hợp để có thể phát triển nó mà không xung đột với các lợi ích và chuẩn mực ứng xử truyền thống? Hình thành nên khung thể chế, trong đó quan trọng nhất là khung pháp luật, đã và đang là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Tuy đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ, bao hàm hầu hết tất cả các khía cạnh có liên quan đến phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhưng với cách tiếp cận theo các chiều cạnh đã nêu ở trên, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Đó không chỉ là hệ thống luật công - nơi mà trách nhiệm quản lý, ưu đãi, khuyến khích đối với những ngành nghề mới được xác định, mà hệ thống luật tư cũng cần được nâng cấp. Trong ngắn và trung hạn, các hướng bảo đảm tự chủ, tự quyết của cá nhân; các quy định về trách nhiệm sản phẩm và đặc biệt là quy chế đạo đức trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cần thiết được rà soát, bổ sung, trước mắt là phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.

Ở khía cạnh khác Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu cho biết: Đạo đức trí tuệ nhân tạo là các hành vi đạo đức trong việc phát triển và sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, được dẫn dắt bởi một tập hợp các giá trị, nguyên tắc, kỹ thuật dựa trên các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi là đúng hay sai.

Trí tuệ nhân tạo không chỉ bắt chước trí tuệ con người, mà còn "bắt chước" đạo đức, có tốt, có xấu. Tập trung của đạo đức trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là dùng dữ liệu thông minh ở mọi lĩnh vực kinh tế- xã hội, do vậy tập trung cho đạo đức trí tuệ nhân tạo là "đạo đức dữ liệu", về khai thác sử dụng dữ liệu. Do đó cần xây dựng chiến lược dữ liệu, luật dữ liệu, hành lang pháp lý về đạo đức trí tuệ nhân tạo và dữ liệu, cùng tuyên truyền giáo dục. Bên cạnh đó, đạo đức trí tuệ nhân tạo cần gắn với chuyển đổi số và môi trường số.

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên 1 về AI và các khía cạnh đạo đức, phiên 2 về các vấn đề chính sách và định vị các chuẩn mực. Nội dung các tham luận tập trung vào các vấn đề như: Ứng dụng của AI trong việc chăm sóc sức khỏe; giải quyết các bài toán liên quan đến môi trường, xã hội tại Việt Nam; vấn đề đạo đức AI và những tác động xã hội; xây dựng khung pháp lý, gợi ý chính sách cho phát triển AI ở Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vần đề như: Đạo đức trí tuệ nhân tạo và gợi ý chính sách cho Việt Nam; vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo và những tác động xã hội; về khai thác sử dụng dữ liệu trí tuệ nhân tạo…/.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực