Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động

Thứ ba, 20/12/2022 10:19
(ĐCSVN) – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đa dạng nội dung đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới cho người lao động. Tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm nhiệm vụ là trung tâm xây dựng và nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo từ xa; phát triển học liệu mở và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề phục vụ học tập suốt đời.

Đây là một trong những nội dung tại Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030”, Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” và Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021, Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022, Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 và Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

  Ảnh minh họa. (Ảnh: TL)

Theo Kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người lao động, người học nghề, tập nghề, người dân trong học tập, làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, trong nhà trường, cộng đồng. 

Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách về xây dựng mô hình công dân học tập; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân. 

Triển khai nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành bảo đảm triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người dạy nghề; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, năng lực công nghệ thông tin, kỹ năng sống cho công nhân, người lao động. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ đa dạng nội dung đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới cho người lao động. Tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm nhiệm vụ là trung tâm xây dựng và nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo từ xa; phát triển học liệu mở và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề phục vụ học tập suốt đời. 

Đổi mới các phương thức đào tạo theo mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, đa dạng, linh hoạt gắn với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh, triển khai linh hoạt, hiệu quả các chương trình đào tạo thường xuyên; triển khai, nhân rộng các mô hình đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng mô hình công dân học tập; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp góp phần xây dựng xã hội học tập. 

Xây dựng, nhân rộng mô hình học tập văn hóa, giáo dục nghề nghiệp đối với người thuộc hộ nghèo. Đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người hết tuổi lao động dễ dàng tiếp cận, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. 

Huy động sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các phong trào, hoạt động thúc đẩy tự học, học thường xuyên, tham gia học tập trên môi trường công nghệ cho công nhân, người lao động; hỗ trợ người lao động có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp. 

Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá kỹ năng nghề để đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng, phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hằng năm tại doanh nghiệp, thi kỹ năng nghề ở các cấp góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời. 

 Phối hợp tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” cho những cá nhân đảm bảo tiêu chí theo quy định; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc. 

Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, học tập suốt đời, phát triển kỹ năng./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực