Cần tập trung tạo điều kiện phát triển nông nghiệp

Thứ sáu, 24/10/2014 16:37

(ĐCSVN) - Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO và tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do khu vực, song phương khác. Với vị thế là ngành kinh tế mũi nhon của Việt Nam ngành nông nghiệp đòi hỏi sự quan tâm tào điều kiện để phát triển hơn bao giờ hết.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: K.V)


Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp), trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp chỉ chiếm 3,4%. Việc khuyến khích đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp trong hợp tác công tư (PPP) về nông nghiệp kết quả còn khiêm tốn: khu vực doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp 7,1% GDP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Điều đáng nói, hiện nay, hơn 90% số máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước, nhiều loại cây trồng, vật nuôi phải nhập khẩu từ nước ngoài. Rõ ràng, sự đầu tư vào ngành nông nghiệp của nước ta chưa thỏa đáng so với tiềm lực.

Vì vậy, cho đến nay, nông nghiệp Việt Nam vẫn mang đặc trưng quy mô nhỏ với cơ sở hạ tầng kém, khoa học công nghệ lạc hậu, chịu nhiều rủi ro do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sức mua và thị trường tiêu thụ suy giảm, đặc biệt là giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư. Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước vẫn còn tình trạng chồng chéo, gây phiền hà cho các doanh nghiệp cũng như người sản xuất nông nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách cho nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Ví dụ như doanh nghiệp muốn đầu tư nông nghiệp quy mô lớn phải sử dụng đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha. Tuy nhiên, thủ tục quản lý đất đai rất phức tạp, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các cơ sở còn kém thuận lợi, doanh nghiệp không dễ gì được đáp ứng”.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp còn rất yếu kém cũng đang là hạn chế không nhỏ. Đơn cử như vùng thâm canh nông nghiệp lớn thứ hai cả nước - Tây Nguyên, song giao thông đi lại khó khăn, ra cảng biển đến thị trường gần nhất cũng lại phải đi qua TP. Hồ Chí Minh, mất rất nhiều thời gian và chi phí. Đó là chỉ nói riêng về đường sá, chưa nói tới kho tàng, bến bãi cũng đầy rẫy những bất cập, khó khăn - TS. Đặng Kim Sơn chỉ rõ.

Từ những khó khăn nói trên dễ dẫn tới quan niệm đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam giá trị thu về không cao trong khi rủi ro lớn. Muốn xóa bỏ tư tưởng cố hữu đó để hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, những trở ngại nêu trên cần được giải quyết dứt điểm.

Để ngành nông nghiệp thực sự trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế, Việt Nam cần phải có chính sách và hành động cụ thể cho lĩnh vực này. Đồng thời, đổi mới tổ chức để thay đổi, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đầu tư đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và quy mô, tạo điều kiện về đất đai… nhằm mở ra triển vọng cho nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước hết cần nên rà soát lại xem mặt hàng nào có lợi thế, có thị trường và có đối tác mong muốn phát triển với Việt Nam thì chúng ta tập trung. Đặc biệt chú ý nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đồng thời, phải có chính sách thuận lợi về đất đai để có thể xây dựng các vùng chuyên canh, các trang trại lớn, sản xuất tập trung, từ đó hình thành các vùng phát triển hàng hóa. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… Cùng với đó sự hợp tác công tư trong nông nghiệp cũng cần được quan tâm. Bởi lẽ, có rất nhiều khâu thuộc lĩnh vực quản lý của Nhà nước như: quản lý tiêu chuẩn chất lượng, cung cấp tín dụng với giá rẻ, chuyển giao khoa học công nghệ, tư nhân cùng tham gia với Nhà nước cho hiệu quả cao.

Đặc biệt cần khuyến khích và đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ về nông thôn, có trách nhiệm đào tạo lao động nơi đây để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Điều quan trọng nữa, các doanh nghiệp cần kết nối với nhau tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất. Đối với thách thức từ điều kiện tự nhiên như thiên tai… phải có bảo hiểm nông nghiệp.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực