An Giang nỗ lực gia tăng giá trị của các sản phẩm OCOP

Thứ năm, 30/06/2022 19:29
(ĐCSVN) - Tỉnh An Giang đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và các sản phẩm tiềm năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Tính đến tháng 6/2022, tỉnh An Giang đã có 62 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 48 sản phẩm đạt 3 sao của 45 chủ thể kinh tế (4 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp, 21 cơ sở sản xuất). Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm (48 sản phẩm), đồ uống (12 sản phẩm), thảo dược (1 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ, trang trí (1 sản phẩm).

Tương hột hảo hạng Thanh Hồ – Sản phẩm Ocop 4 sao của tỉnh An Giang. (Ảnh: ocopangiang) 

Năm 2022, tỉnh An Giang đặt mục tiêu tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất- kinh doanh, nhằm phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng; hoàn thiện và cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.

Phấn đấu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có thêm từ 50 - 70 sản phẩm đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm về du lịch tham gia vào chương trình. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ duy trì, nâng cao các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” và có 10% sản phẩm được đánh giá nâng hạng.

Năm 2022, phấn đấu có 1 điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đào tạo tập huấn 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP và tiềm năng OCOP. Thực hiện kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị, như: Co.op Mart, VinMart, Bách Hóa Xanh, BigC, Tứ Sơn, MM Mega Market… và phối hợp các tỉnh ĐBSCL xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày các sản phẩm OCOP của 13 tỉnh ĐBSCL. Lựa chọn 1-2 sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu.

Năm 2023, phấn đấu có 1 điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; thực hiện kết nối tiêu thụ với các điểm bán lẻ, siêu thị, như: Co.op Mart, VinMart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, BigC, Tứ Sơn… và phấn đấu chọn 3 sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu.

Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, Đề án “quảng bá, xúc tiến và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023” thực hiện với tổng kinh phí hơn 16,9 tỷ đồng, hướng đến việc phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế tham gia Đề án OCOP của tỉnh về các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ chi phí cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh thay đổi mẫu mã bao bì; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm OCOP…

Thời gian tới, tỉnh An Giang cũng tập trung mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối. Đối với các sản phẩm định hướng xuất khẩu sẽ lựa chọn sản phẩm OCOP uy tín để xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu vào thị trường các nước: Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc… Tổ chức và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ nước ngoài. Phối hợp các cơ quan đơn vị của Việt Nam tại các nước tổ chức kết nối, giao dịch thương mại tại nước ngoài.

Đối với các sản phẩm tiêu thụ thị trường nội địa duy trì tổ chức các sự kiện, hội chợ trong tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ ngoài tỉnh; kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp theo phương thức B2B hoặc Face to Face để kết nối giao thương đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành giới thiệu, đưa hàng hóa của doanh nghiệp An Giang thâm nhập các siêu thị, Trung tâm thương mại, các chợ truyền thống của TP.HCM và các tỉnh, thành. Lựa chọn và xây dựng điểm bán hàng tại các khu điểm du lịch, hệ thống đình, chùa có khả năng thu hút du khách. Hỗ trợ kết nối các điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Để tạo lực đẩy cho sản phẩm OCOP, tỉnh An Giang sẽ có cơ chế, chính sách về nguồn vốn hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP và tiềm năng OCOP. Phổ biến các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất. Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng, để có các giải pháp tháo gỡ.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực