Bình Thuận: Phấn đấu sản xuất thủy sản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Chủ nhật, 14/11/2021 15:50
(ĐCSVN) - Để sản xuất thủy sản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối, tiêu thụ hải sản, không để ùn ứ, ách tắc,…
 Tàu cá của ngư dân Bình Thuận (Nguồn ảnh: TTXVN)

Khai thác, chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, trong thời gian vừa qua, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn.

Cụ thể, đối với hoạt động đánh bắt hải sản, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã quy định tạm dừng hoạt động khai thác thủy sản trên biển đối với các tàu cá trong địa bàn đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tại một số địa phương đang phong tỏa do các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong tỉnh cho thấy, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7/2021 đến đầu tháng 9/2021 có khoảng 3.228 tàu cá/12.600 lao động tạm ngưng hoạt động; khoảng 85% tàu cá hoạt động nghề hậu cần huyện Phú Quý gặp khó khăn trong việc cập cảng Phan Thiết để bốc dỡ sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ các đơn vị quản lý cảng cá, trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, công tác kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng thực hiện chặt chẽ, gắn với các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời, áp dụng biện pháp cấm tàu cá từ các địa phương vùng dịch vào cập cảng bốc dỡ sản phẩm, hoặc vào bốc dỡ sản phẩm phải cách ly tập trung thuyền viên theo quy định.  Nhiều tàu cá từ các địa phương khác cũng không vào cảng cá đang áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg để bốc dỡ sản phẩm do quy định khi quay lại địa phương phải cách ly,… Do đó, số lượng tàu cá cập cảng, sản lượng qua cảng giảm mạnh.

Đối với hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản, Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, từ đầu quý III/2021 trở đi khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thu mua, chế biến hải sản gặp khó khăn. Theo kết quả khảo sát của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản của tỉnh, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, có khoảng 39% cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch theo phương án 3 tại chỗ; 16% cơ sở chỉ thực hiện thu mua, bảo quản nguyên liệu và 40% cơ sở còn lại hoạt động cầm chừng với năng suất từ 30-50% so với bình thường.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số ngành nghề bị hạn chế hoạt động, tình hình vận chuyển tiêu thụ hải sản gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến giá bán hải sản. Theo báo cáo của các đơn vị quản lý cảng, giá thu mua hải sản khai thác biến động giảm khác nhau tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các địa phương và tùy thuộc chủng loại, không xảy ra tình trạng giảm sâu đồng loạt. Trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, giá bán tại cảng cá giảm giảm từ 20-30% so với điều kiện bình thường. Riêng giá hải sản tươi sống giảm khá sâu do việc cung ứng hải sản chất lượng cao phục vụ nhu cầu khách du lịch, các hàng quán cao cấp, bị đình trệ. Việc vận chuyển, lưu thông không thuận lợi, thời gian kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay, giá bán các mặt hàng hải sản cơ bản đã ổn định trở lại, trừ một số loại hải sản tươi, sống, giá vẫn còn thấp so với điều kiện bình thường.

Sản xuất thủy sản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Để lĩnh vực sản xuất thủy sản của địa phương đạt được hiệu quả trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản hiểu và thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh hình thức tuyên truyền thông qua tổ chức lớp tập huấn, tờ rơi, pa nô, phát thanh trên hệ thống loa của cảng cá, sẽ phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông đại chúng; thí điểm tuyên truyền qua tin nhắn điện thoại cho chủ tàu,…

Bên cạnh đó, Bình Thuận sẽ tổ chức sản xuất thủy sản trên biển và tại cảng hợp lý, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Trong đó, chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình hoạt động nghề cá của tỉnh, nhất là tình hình tàu cá nằm bờ, ngư dân dừng sản xuất,…để phản ánh và có kiến nghị, đề xuất tỉnh và Trung ương có hình thức hỗ trợ kịp thời. Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của các Tổ công tác chuyên đề tiêu thụ hải sản để hỗ trợ bốc dỡ, tiêu thụ hải sản tại cảng; Tổ kiểm soát, phòng chống dịch liên ngành tại cảng cá để kiểm soát, phòng chống dịch đối với tàu cá khi xuất, cập bến. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong cảng xây dựng kế hoạch sản xuất an toàn, thích ứng trong điều kiện phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Bình Thuận sẽ tổ chức nắm chắc nguồn cung hải sản và tổ chức tốt các kênh phân phối, tiêu thụ hải sản, không để ùn ứ, ách tắc. Cụ thể, chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các Ban Quản lý cảng cá và các địa phương theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh về số lượng tàu cá, ngành nghề, sản lượng, chủng loại. Đồng thời, phối hợp các lực lượng chức năng nắm bắt số tàu cá ngoài tỉnh hoạt động, tập kết tiêu thụ hải sản trên địa bàn tỉnh để dự báo sản lượng hải sản khai thác trong tỉnh và sản lượng hải sản tập kết qua các cảng cá để chủ động trong khâu tiêu thụ.

Các Ban Quản lý cảng cá thực hiện tốt quy định về thông tin tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng hải sản tiêu thụ tại các cảng cá, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, thực hiện nghiêm quy định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cảng cá cho từng nhóm đối tượng tàu cập cảng.

Ngoài ra, theo dõi kênh tiêu thụ trực tiếp tại các chợ, siêu thị và các hình thức cung ứng theo nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản phối hợp ngành Công Thương đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thị trường thủy sản của Bộ NN&PTNT để cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp về đầu ra và các hình thức hỗ trợ tiêu thụ phù hợp. Ngoài ra, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thủy sản tham gia các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn đưa sản phẩm lên các sàn để tiêu thụ; tiếp tục kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT để kết nối tiêu thụ hải sản cho ngư dân, doanh nghiệp sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Về nhiệm vụ dài hạn, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó, ổn định đội tàu khai thác xa bờ, giảm dần tàu cá nhỏ hoạt động ven bờ, nâng cấp, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là công tác bốc dỡ hải sản tại cảng,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực