Cà Mau: Nỗ lực khai thác thủy sản hiệu quả, linh hoạt phòng chống dịch COVID-19

Thứ ba, 23/11/2021 21:15
(ĐCSVN) - Để việc khai thác thủy sản trong thời gian tới đạt hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương sẽ tiếp tục kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Những tháng vừa qua, tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã tác động tới ngành thủy sản của tỉnh Cà Mau. Thời gian giãn cách xã hội kéo dài và sự kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào tỉnh đã ảnh hưởng đáng kể đến sự lưu thông hàng hóa. Trong đó, thủy sản khai thác là sản phẩm dễ bị tổn thất nếu không được bảo quản đúng cách hoặc thời gian bảo quản kéo dài.

Để thực hiện phòng, chống dịch, việc triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ đối với người lao động đi trên tàu cá, người vận chuyển hàng hóa thủy sản từ Cà Mau đi các tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Chi phí xét nghiệm cho lao động định kỳ đã làm tăng chi phí sản xuất nhưng giá thu mua sản phẩm giảm do sức tiêu thụ giảm dẫn đến một số tàu cá ngưng hoạt động. Các dịch vụ hậu cần nghề cá, bao gồm sữa chữa tàu, máy móc, cung cấp nhiên liệu, thực phẩm...gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.

Hiện nay, triển khai phòng chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Cà Mau đã ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý, kiểm soát người, phương tiện hoạt động trên biển và bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa tại cảng cá, bến cá trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tất cả phương tiện khi hoạt động trên biển phải kê khai lịch trình hoạt động, khi vào cửa biển phải trình báo lực lượng chức năng để kiểm tra, rà soát, phân loại nhóm tàu để quản lý, thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích chủ phương tiện tổ chức cho phương tiện của mình hoạt động dài ngày trên biển, chỉ vào đất liền khi thật sự cần thiết. Khuyến khích các cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần tổ chức thực hiện chuỗi liên kết, cung ứng nhu yếu phẩm, hàng hóa, ngư cụ, trang thiết bị và thu mua, chuyển tải sản phẩm đảm bảo cho hoạt động sản xuất của phương tiện dài ngày.

Để việc khai thác thủy sản trong thời gian tới đạt hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương sẽ tiếp tục kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Bố trí đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động, đáp ứng được yêu cầu trong bốc dỡ sản phẩm thủy sản.

Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa, tránh tập trung đông người tại các cảng cá, Cà Mau sẽ tham mưu cấp thẩm quyền cho phép các bến cá tư nhân cơ bản đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để thực hiện bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa. Trong đó, có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng về sản lượng, thành phần loài,...và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, hướng dẫn hỗ trợ, đôn đốc ngư dân chuẩn bị tốt tàu thuyền, ngư cụ, nhân lực tham gia khai thác. Rà soát, tham mưu cho cấp thẩm quyền một số chính sách hỗ trợ ngư dân về phát triển thủy sản do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, để tổ chức khai thác thủy sản hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, chỉ đạo đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đi cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ngày càng sâu rộng và có trọng tâm, trọng điểm; quảng bá sản phẩm khai thác và tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.

Cà Mau kiến nghị hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nợ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4-6 tháng tới. Có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ giá dầu và các chi phí khác cho ngư dân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực