Cảnh báo tình trạng lập công ty “ma” thuê người làm giám đốc

Thứ sáu, 30/09/2022 14:52
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, các công ty mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Tuy nhiên trong số các công ty được đăng ký kinh doanh có không ít công ty “ma” được lập lên với chiêu trò thuê người làm giám đốc để thực hiện những hành vi mờ ám.
leftcenterrightdel
 Căn nhà 1/20 Thăng Long, P4 Tân Bình - nơi đăng ký kinh doanh của công ty TNHH Thương mại Điện Xuất nhập khẩu Bạch Hạc nay cho thuê làm nhà trọ (Ảnh:PV)

Mới đây, có 05 người cùng làm đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng trình bày sự việc cả 05 người, đều được ông Phạm Thanh Tuấn ngụ quận Tân Bình, TP.HCM nhờ đứng tên đại diện pháp luật (giám đốc) cho các công ty mà ông Tuấn đã lập ra với thù lao từ 8-15 triệu đồng/tháng. Theo nội dung trình bày trong đơn, 04 trong số 05 người đều là người quen cùng quê của ông Tuấn tại tỉnh Khánh Hòa, bao gồm: Nguyễn Thái Hoàng, SN 1995; Hà Văn Nghiệp, SN 1993; Nguyễn Thái Vũ, SN 1996; Nguyễn Vũ Hoài Linh, SN 1983, cả 04 người đều được bà Đào Thị Xuân Hoa là người quen sinh sống tại địa phương giới thiệu vào làm việc cho công ty ông Tuấn. Sau đó cả 04 người làm việc cho ông Tuấn với một công việc bình thường với mức lương ban đầu là: 8.000.000 đồng/tháng, được 01 năm thì ông Tuấn ngỏ ý đề nghị làm thêm cho ông Tuấn công việc khác thì ông sẽ trả thêm tiền.

Khi được hỏi là làm công việc gì thì ông Tuấn cho biết là khi nào ông cần thì đi theo ông chỉ cần ký tên trên các giấy tờ thôi còn các vấn đề khác ông sẽ lo hết. Từ năm thứ hai thì các thanh niên nói trên được ông Tuấn trả lương là 10.000.000 đồng/tháng. Và sau đó ông Tuấn đã yêu cầu họ đứng tên các công ty mà ông Tuấn thành lập, công việc cụ thể là ký các giấy tờ mà phía ông Tuấn và ông Cao Hoàng Nhân (là nhân viên của ông Tuấn) đưa ra, sau đó ông Tuấn thường xuyên chậm trả lương cho họ và sau đó là không thanh toán tiền lương nên họ quyết định nghỉ việc, và không hề ký bất cứ giấy tờ gì liên quan đến công ty mà họ đã đứng đại diện pháp luật giúp ông Tuấn trước đó nữa. Thế nhưng sau đó họ đều bị các nhân viên ngân hàng gọi điện nhắc thanh toán nợ và thông báo các công ty nói trên đều bị nợ xấu.

Đăng ký kinh doanh nhưng các doanh nghiệp không có dấu hiệu hoạt động tại trụ sở

Các công ty được nêu trong đơn bao gồm: Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu NCT, 983 Nguyễn Trãi, P14, quận 5, người đại diện là Nguyễn Thái Hoàng; công ty TNHH Thương mại Điện Xuất nhập khẩu Bạch Hạc, 1/20 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, người đại diện là Hà Văn Nghiệp; công ty TNHH Xuất nhập khẩu đầu tư phát triển Đông Dương, 256 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, người đại diện Nguyễn Thái Vũ; công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Quốc tế Thái Dương, 45 Điện Biên Phủ, phường 15, Quận Bình Thạnh, người đại diện Nguyễn Vũ Hoài Linh. Khi phóng viên đến các địa chỉ trên thì không thấy có dấu hiệu hoạt động kinh doanh tại trụ sở, cũng không hề treo biển hiệu hoặc có bất cứ thông tin nào để liên lạc. Hỏi thăm người dân sống gần đó thì không ai biết về các công ty trên, có người nói ở đây mười mấy năm nhưng chưa hề nghe đến công ty này.

Còn trường hợp của anh Võ Quốc Việt (SN 1987, ngụ Long An) làm công việc lái xe cho ông Tuấn nhiều năm, có đứng tên làm giám đốc giúp ông Tuấn 3 công ty gồm: Công ty TNHH TMDV Kim Bình Sài Gòn; Công ty TNHH TM Khang Thái (cùng địa chỉ tại 1085/9 Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM và Công ty TNHH Nước mắm Hải Đăng (địa chỉ tại 307/3 Bình Thới, Phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Tháng 05/2020, anh Việt chính thức nghỉ việc. Sau đó anh Việt nhận được thông báo của Chi cục thuế quận Bình Thạnh thông báo về việc Công ty Khang Thái và Công ty Hải Đăng nợ thuế không thanh toán với số tiền hàng chục triệu đồng. Tiếp đó vào ngày 09/03/2021, anh Việt lại nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Cần Đước, tỉnh Long An và TAND quận Tân Bình, TP.HCM thông báo về việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Đông Á và khởi kiện liên quan đến Công ty CP Đầu tư và phát triển SG9.

Liên hệ qua điện thoại để trao đổi với ông Phạm Thanh Tuấn, ông Tuấn cho biết, Công ty Kim Bình thì ông Tuấn đã trả hết nợ, còn Công ty Nước mắm Hải Đăng thì ông Tuấn góp vốn chung với người khác và hiện nay cũng không còn kinh doanh nữa nên cũng không nợ nần gì, công ty Khang Thái thì hiện đang nợ một số tiền và cũng đã trả một khoản, chỉ còn thiếu lại một ít và đang chờ ngân hàng giảm lãi cũng sẽ trả dứt điểm. Ông Tuấn cho biết tất cả các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và ông Tuấn hẹn khi nào từ tỉnh về tới TP.HCM sẽ gặp phóng viên để cung cấp thông tin thêm. Tuy nhiên tới ngày hẹn, phóng viên liên hệ nhiều lần nhưng ông Tuấn không nghe máy.

Có nên đứng tên giám đốc giúp người khác?

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu như doanh nghiệp có hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không trung thực thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, với tư cách là người góp vốn (dù thực tế không hề góp vốn), người đứng tên giúp sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn cam kết góp vào công ty theo quy định tại điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014.

Như vậy, theo quy định trên, những người đã trót đứng tên doanh nghiệp giúp người khác vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của các thành viên.

Chưa hết, nếu công ty kinh doanh thua lỗ hay có hành vi trốn thuế, lừa đảo, kinh doanh trái phép, thì những người trên, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty, sẽ phải thực hiện các các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại khoản 1 điều 13 và điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước trọng tài, tòa án về các nghĩa vụ giải trình, nộp phạt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu có.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu anh Việt không làm giám đốc các công ty nêu trên thì cần làm thay đổi đăng ký kinh doanh tại các doanh nghiệp đó. Trong trường hợp anh Việt thấy các vướng mắc giữa mình với ông Tuấn hay với công ty cũ không được giải quyết hay đàm phán được thì có thể làm đơn khởi kiện gửi đến TAND quận Tân Bình, TP.HCM để yêu cầu Tòa đề nghị công ty thay đổi đăng ký dinh doanh, đề nghị ông Tuấn bồi thường thiệt hại về những tổn thất do các hành vi của ông Tuấn gây ra đối với anh Việt (nếu có). Khi đó TAND quận Tân Bình sẽ xem xét thụ lý đơn khởi kiện của anh Việt theo quy định  của pháp luật.

Như vậy từ sự việc trên cũng cảnh báo cho những người lao động nói chung không nên vì thù lao trước mắt mà nhẹ dạ ký kết vào các văn bản mà mình không biết đặc biệt với tư cách là giám đốc nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực