Khẳng định vai trò của thị trường trong nước trong bối cảnh mới

Thứ năm, 29/10/2020 16:11
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thị trường trong nước đã chứng minh được vai trò quan trọng cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để chiếm lĩnh mảng thị trường này đòi hỏi DN phải nỗ lực, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: K.D) 

 

Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng

Hiện hàng Việt Nam có độ phủ lớn tại hệ thống phân phối nội địa, được người tiêu dùng (NTD) trong nước tin tưởng. Bên cạnh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp, DN sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng, miền để tiếp cận NTD trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung-cầu, hội nghị đặc sản vùng, miền, sản phẩm Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…

Đặc biệt, tại Lễ khai mạc Chương trình “Tinh hoa Việt Nam - Made in Việt Nam” do Tập đoàn Central Retail phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức mới đây, nhiều DN đã khẳng định rõ ràng chất lượng hàng Việt Nam với những sản phẩm mang tầm cỡ quốc tế. Với quy mô 100 gian hàng được trưng bày, Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” đã giới thiệu các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách… các gian hàng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo NTD.

Dù vậy, không có nghĩa hàng Việt sẽ không phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đơn cử, với thị trường Liên minh châu Âu (EU), dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể đánh giá tổng thể và toàn diện tác động của việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, giai đoạn hậu COVID-19, hàng chất lượng cao từ EU sẽ gia tăng tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, hàng Việt hiện nay đa phần sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Hàng Việt cũng ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… Khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao, dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế.

Ngoài ra, việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng, nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân. Hiện tại, các DN thực phẩm như: Vissan, Ba Huân, Saigon Food… đang rất tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vissan, vừa mở rộng thêm kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng yên tâm và thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty; đa dạng chủng loại hàng hóa lên gấp rưỡi.

Tương tự, với hàng thời trang, da giày, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… các DN nội địa như Canifa (sản xuất thời trang); Công ty TNHH May Minh Tiến (Miti); Biti’s; Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn; Dược Hậu Giang… đã có những cải tiến rõ rệt trong việc thay đổi mẫu mã, nhằm đáp ứng được cả tính thẩm mỹ lẫn chất lượng sản phẩm cho NTD.

Hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt

Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương, thời gian tới, nhằm hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đang được thực hiện hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ hàng Việt, DN Việt như: Các chương trình triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài; Các hoạt động khuyến công; phát triển thương mại điện tử; tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt...

Đây cũng là một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 5 năm tới, trong đó có nhóm giải pháp: “Năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu tác động của dịch bệnh; có giải pháp phù hợp vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước. Chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường”.

Nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, thời gian tới, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực SXKD thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới NTD, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.

Theo nhà kinh tế học Michael Poter của Hoa Kỳ: “Cạnh tranh (kinh tế) là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà DN đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là sự bình quân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu dẫn đến hệ quả giá cả có thể giảm đi. Năng lực cạnh tranh của DN thể hiện thực lực và lợi thế của DN so với đối thủ cạnh tranh trong việc thỏa mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao”. Vì vậy, hơn ai hết, DN Việt Nam phải hiểu người Việt Nam một cách tốt nhất, để thỏa mãn được tối đa các đòi hỏi của khách hàng trên lãnh thổ của mình. Khi đó, NTD Việt sẽ luôn tin tưởng và đồng hành cùng hàng Việt trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hiện cả nước đã có 45 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm với trên 2.049 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 trên 3.800 sản phẩm.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực