Khép lại hành trình hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp

Thứ tư, 26/01/2022 19:48
(ĐCSVN) – Một dự án hướng tới mục đích giúp đối tượng yếu thế (các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ nghèo, thanh thiếu niên nghèo) nâng cao vị thế, có thêm việc làm, tăng thu nhập, được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống đã trải qua một hành trình 8 năm từ 2015 đến nay.
 Dự án đã tạo ra những hiệu ứng xã hội tích cực (Ảnh chụp màn hình)

Chiều 26/1, Hội thảo tổng kết Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển - hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp, gọi tắt là EFD (Enterprising for Development) đã diễn ra với hình thức trực tuyến trên nền tảng ứng dụng zoom.

Được biết, Dự án thực hiện mục tiêu này thông qua việc nâng cao năng lực điều hành, phát triển kinh doanh, huy động vốn và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) kinh doanh trong chuỗi giá trị nông sản, đang tạo ra các tác động tích cực lên các nhóm đối tượng yếu thế nói trên. Dự án tin tưởng rằng, thông qua việc giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp sẽ mang lại tác động tích cực cho các nhóm yếu thế trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý dự án thông tin khái quát về kết quả hoạt động (Ảnh chụp màn hình)

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý Dự án, giai đoạn 1 của Dự án EFD đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp tạo tác động từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2018. Kế thừa những thành công từ giai đoạn 1, Dự án EFD giai đoạn 2 (EFD2) tiếp tục được triển khai từ 12/2018 đến 01/2022. Với sự hỗ trợ tài chính từ mạng lưới các Doanh nhân vì Doanh nhân của Hà Lan (Entrepreneurs for Entrepreneurs Network) thông qua tổ chức Oxfam Novib tại Hà Lan và Quỹ GSRD Foundation, giai đoạn 2 được Oxfam tại Việt Nam phối hợp triển khai với hai đối tác là Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub).

Tính chung tổng thể kết quả của Dự án, 60 doanh nghiệp đã tạo ra 1.789 việc làm toàn thời gian, 2.300 việc làm bán thời gian, liên kết gần 50.000 nông hộ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của khoảng 200.000 người dân tại các vùng khó khăn, hướng tới một xã hội bình đẳng nên đặc biệt khuyến khích hướng tới các doanh nghiệp có nữ lãnh đạo, các doanh nghiệp có tác động tích cực tới nhóm yếu thế trong cộng đồng.

 Dự án đã tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp có tác động xã hội cao (Ảnh chụp màn hình)

Bà Phạm Thị Kiều Oanh, Sáng lập viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), đơn vị đồng hành với dự án trong suốt thời gian qua đã khẳng định về sự đặc biệt của một hành trình với một dự án đặc biệt, nằm trong giai đoạn chuyển đổi từ cách nghĩ, cách làm, bối cảnh trong nước, quốc tế với nhiều biến động và tạo ra những tác động, chuyển biến tích cực trong xã hội, góp phần tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao, tích cực hỗ trợ vì sự phát triển chung của cộng đồng.

Dịp này, các doanh nghiệp là thành viên dự án đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện và sự thay đổi tích cực mà Dự án đã mang lại cho doanh nghiệp của họ, giúp họ từng bước củng cố và phát triển hiệu quả, bền vững./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực