|
Việt Nam cần quan tâm đến việc đa dạng hóa thị trường, phát triển các thị trường tiềm năng để không ngừng nâng cao giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản (Ảnh: NQ) |
Trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã có nhiều đóng góp lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu. Trong đó, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 40,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,32% so với năm 2018, đóng góp khoảng trên 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn về đích với con số ấn tượng 41,25 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD gồm: gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Tiêu biểu, có thể kể đến xuất khẩu chủ yếu tăng về lượng trong khi tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu chưa cao; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...Đồng thời, vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế; công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn còn hạn chế.
Cùng với những điểm yếu nội tại trên, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ thị trường quốc tế. Đó là khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan, các nước nhập khẩu sẽ tăng cường bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, mẫu mã sản phẩm,…Nông lâm thủy sản Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt hơn với các sản phẩm của các quốc gia xuất khẩu khác và với các sản phẩm của các nước bản địa. Đi cùng với đó là sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu (mưa đá, lũ lụt, xâm nhập mặn), dịch bệnh.
Trong khi đó, theo dự thảo Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030” do Bộ NN&PTNT xây dựng, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD. Riêng nhóm nông sản chính đạt 22 tỷ USD, lâm sản đạt từ 13,5-14 tỷ USD, thủy sản đạt 12,5 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1-1,5 tỷ USD, mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD. Đặc biệt, phấn đấu khoảng 20% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Đặc biệt, hướng đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD.
Đó là những mục tiêu lớn mà xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam cần phấn đấu để đạt được trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức và chạm tới mục tiêu về xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam cần có nhiều giải pháp để tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Trong đó, việc nâng cao và đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, theo dự thảo Đề án “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”, Việt Nam cần chú ý tới việc quy hoạch lại các vùng trồng, nuôi trồng thích hợp. Tổ chức sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn theo nhu cầu của thị trường, phát triển cụm liên kết sản xuất- chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả theo hình thức hợp tác PPP (đối tác công-tư) khép kín từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Tăng cường việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt ở các khâu bảo quản, chế biến để tăng tỷ lệ phần trăm sản phẩm chế biến xuất khẩu.
Việc tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết. Trong đó, cần tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa là những sản phẩm đặc sản của vùng miền. Nghiên cứu lai tạo, cải tạo các giống mới có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tập trung nghiên cứu khoa học về dự tính, dự báo, quản lý, phòng chống và xử lý dịch bệnh cho nông lâm thủy sản, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Để thúc đẩy chất lượng của nông sản, cần tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư. Trong đó, cần ưu tiên lựa chọn một số dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư, nhất là vào các lĩnh vực chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp kỹ thuật cao của các nước hợp tác cùng triển khai nhằm tận dụng công nghệ cao, thông minh, chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp.
Vấn đề phát triển thị trường là khâu không thể thiếu trong thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Theo Bộ NN&PTNT, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam tại thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông... Đi cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm bạn hàng xuất khẩu, kết nối với các nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị của các nước, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao có chứng nhận nguồn gốc, thương hiệu của Việt Nam.
Mặt khác, cần thiết xây dựng định hướng, kế hoạch xuất khẩu cụ thể đối với từng mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản tương ứng với từng thị trường mục tiêu. Xác định rõ đối tác quan trọng, ưu tiên để có phương án tiếp cận phù hợp, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, thế mạnh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Và cần đa dạng hóa thị trường, chú ý phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường ngách, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường trọng tâm, trọng điểm xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam./.