Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo tiếp thu ý kiến tại Phiên họp Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư một lần nữa khẳng định, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích.
Chính vì vậy, công tác quy hoạch được xem như người công binh mở đường; một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.
“Hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Để làm tốt công tác quy hoạch, phương pháp tiếp cận phải đúng, đòi hỏi chúng ta phải cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng bản quy hoạch tốt nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như hầu hết các thành viên Hội đồng thẩm định đã đánh giá, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được thực hiện một cách công phu, nghiêm túc, bài bản, cầu thị, huy động được sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.
Quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tuân thủ đầy đủ quy trình lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Về cơ bản, nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04/10/2020.
Về cơ bản, các ý kiến của các thành viên, ủy viên Hội động thẩm định đã nhất trí với những nội dung quan trọng của Báo cáo Quy hoạch như đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và hạn chế, yếu kém giai đoạn vừa qua, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; các quan điểm, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch; các định hướng lớn về bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; các vùng động lực, các hành lang kinh tế.
Các ý kiến thẩm định đã bày tỏ sự nhất trí với quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cấn đối giữa các vùng miền, địa phương. Đồng thời, nhất trí với định hướng động lực tăng trưởng là cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi động lực tăng trưởng là tứ giác TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.
|
Không gian quốc gia là một thể thống nhất (Ảnh tư liệu) |
Bên cạnh đó, các ý kiến thẩm định cũng bày tỏ sự nhất trí với việc định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính: Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển các vành đai công nghiệp, đô thị quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, gắn kết với các cửa ngõ quốc tế.
Song song là nhất trí với các đột phá phát triển hạ tầng: Ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, trên cơ sở ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản và ý kiến tham gia tại phiên họp thẩm định ngày 14/9 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ 4.
Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung chi tiết, cụ thể về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực; tiếp thu, nghiên cứu tối đa các ý kiến xác đáng, đồng thời đề nghị đưa vào nội dung các quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do phạm vi khái quát và chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nhân dịp này, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội./.