Tăng cường hiệu quả liên kết đào tạo đại học vừa làm vừa học

Thứ hai, 28/12/2020 20:22
(ĐCSVN) – Thời gian qua, đào tạo đại học vừa làm vừa học (VLVH) đã cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáng kể với gần 90.000 cử nhân kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh cho các bộ, ngành và đặc biệt cho các địa phương trên khắp cả nước, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội.

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội nghị các đơn vị liên kết đào tạo đại học VLVH năm 2020.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: PV) 

Đại diện các đơn vị liên kết đã tham dự Hội nghị, trong đó có các trường: Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình; Trung tâm giáo dục thường xuyên  GDTX) tỉnh Thanh Hóa; TT GDTX tỉnh Cao Bằng; TT GDTX tỉnh Hải Dương; TT GDTX tỉnh Lai Châu; TT GDTX Hải Phòng; TT GDTX tỉnh Bắc Giang; TT GDTX tỉnh Phú Thọ; TT GDTX tỉnh Phú Yên; Trường Tài chính Kinh tế  – Kĩ thuật Bắc Thăng Long; Trường CĐ Cộng đồng Kom Tum; Trường CĐ nghề Yên Bái; Trường CĐ Thống kê Bắc Ninh; Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên; TT GDTX tỉnh Vĩnh Phúc; TT GDTT tỉnh Gia Lai; Trường CĐ Công thương; Trung tâm Hợp tác – Đào tạo Hồng Cẩm, Trường CĐ Than – Khoáng sản Việt Nam; Viện Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực; Trường Tài chính Luật Tây Bắc... cùng đại diện lãnh đạo các Phòng ban, Khoa, Viện, Trung tâm, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể cán bộ viên chức Khoa Đại học tại chức Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đồng chủ trì Hội nghị là các đồng chí: PGS.TS Bùi Đức Thọ  – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS Phạm Quang – Trưởng khoa Đại học Tại chức

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS Trần Thị Vân Hoa cho biết, công tác đào tạo đại học VLVH của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển. Có thể nói, đây là một trong những lĩnh vực đào tạo quan trọng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường. Đào tạo đại học VLVH đã cung cấp đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáng kể với gần 90.000 cử nhân kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh cho các bộ, ngành và đặc biệt cho các địa phương trên khắp cả nước, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội.

GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu. (Ảnh: PV) 

Cũng theo GS. Trần Thị Vân Hoa, hiện nay, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã được ban hành, trong đó với hoạt động đại học thì quan điểm chủ đạo là “Học viên hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì được cấp bằng tương ứng với trình độ đào tạo” không phân biệt hình thức đào tạo. Đây sẽ là cơ hội và thách thức đối với hình thức đào tạo VLVH nói riêng và các và các hình thức đào tạo phi chính quy nói chung bởi công tác đào tạo VLVH sẽ phải thực hiện hoạt động kiểm định, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Nhà nước và phải đạt chuẩn như đào tạo chính quy. Trong thời gian qua, Nhà trường đã thực hiện đổi mới công tác VLVH như: xây dựng lại chương trình đào tạo đại học VLVH trên cơ sở chương trình đào tạo đại học chính quy, áp dụng phương thức giảng dạy Blended learning, áp dụng phương thức khảo thí như đại học chính quy (thi trắc nghiệm trên máy tính), đổi mới công tác xét và công nhận khối lượng kiến thức được miễn trừ…

Cũng tại Hội nghị, GS Trần Thị Vân Hoa nhấn mạnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của các đơn vị liên kết đào tạo trong hoạt động đào tạo đại học VLVH của Nhà trường, là cầu nối giữa Nhà trường với học viên và với các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để cùng với Nhà trường tổ chức tuyển sinh và quản lý quá trình đào tạo đại học VLVH. Phó Hiệu trưởng hi vọng Hội nghị sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đơn vị liên kết đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyển sinh đại học VLVH của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại các đơn vị liên kết đào tạo.

Đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: PV) 

Trong khuôn khổ Hội nghị, PGS.TS Phạm Quang – Trưởng khoa Đại học Tại chức đã báo cáo về đào tạo và liên kết đào tạo VLVH của Trường ĐH KTQD, trong đó nhấn mạnh, để phát triển đào tạo đại học VLVH, cần khắc phục những hạn chế đang tồn tại, đồng thời đào tạo đại học VLVH cũng cần công khai, minh bạch với xã hội, người học, các đơn vị liên kết những vấn đề như: công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra, chương trình, kế hoạch đào tạo, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cho người học để người học xác định đúng thái độ và động cơ học tập; công khai các khoản lệ phí, phí dịch vụ đào tạo; các quy định về phân bổ học phí, lệ phí thu được cho các đơn vị liên kết; công khai các quy định về đào tạo đại học VLVH cho người học và đơn vị liên kết đào tạo.

Dịp này, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác tuyển sinh đại học VLVH của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại các đơn vị liên kết đào tạo; xây dựng chương trình, chất lượng đào tạo, tổ chức đào tạo, cơ chế tài chính giữa Nhà trường với các đơn vị liên kết đào tạo….

Hội nghị đã nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm đầy thiết thực. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để lãnh đạo Nhà trường hoàn thiện các phương hướng, cách thức nhằm nâng cao chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh hệ VLVH cả về quy mô và chất lượng, đồng thời gắn kết Nhà trường với đơn vị liên kết đào tạo trong thời gian tới./.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực