Những năm gần đây, nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Mô hình nông nghiệp xanh đang được người nông dân quan tâm và ngày càng tham gia nhiều vào hệ thống mô hình mới này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam dẫn chứng, trong những năm qua, Bộ, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình theo hướng xanh – sạch – phát triển bền vững. Điển hình, đối với cây lúa đã áp dụng các mô hình “ruộng lúa bờ hoa”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng mẫu lớn áp dụng VietGAP”. Đối với cây ăn trái, áp dụng quy trình canh tác GAP và mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi. Nuôi trồng thủy sản, áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng từng khẳng định, chiến lược nông nghiệp cần có tư duy mới và hoàn toàn khác. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng mà còn thỏa mãn nhiều yêu cầu mới, trong đó có yêu cầu về sản phẩm phát thải Carbon thấp.
|
Một mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ trong trồng rau (Ảnh: PV) |
Có thể thấy, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, đó là: chưa có các quy hoạch về sản xuất hữu cơ hay chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ “made in Vietnam” đa phần việc chứng nhận đều phải thuê các tổ chức nước ngoài với mức phí cao; nông nghiệp vẫn hoạt động dựa trên nền tảng quy mô nhỏ lẻ nên việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh là khá khó khăn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác; nguồn nhân lực tinh thông trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế so với nhu cầu; chưa có các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp xanh...
Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác hữu cơ nước ta đã tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019; 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và phát động phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế đã nêu ra, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy… Đặc biệt, thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, quy trình nuôi trồng quy chuẩn, thân thiện với môi trường. Đơn cử, mô hình rau hữu cơ tại Quảng Nam, tiêu biểu là dự án “Vườn nhiệt đới Kapi” của chị Bùi Thị Thanh Sương ở Điện Ngọc, Điện Bàn với diện tích hơn 1.000m2 theo phương pháp thủy canh đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng bởi các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sương cũng đang nghiên cứu mô hình kết hợp triển nông nghiệp sạch với du lịch sinh thái. Một số tỉnh phía Nam cũng tích cực phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm cung cấp cho các nhà nhập khẩu sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Có thể kể đến tỉnh Cà Mau đã triển khai dự án nuôi thủy sản hữu cơ kết hợp với bảo tồn rừng ngập mặn; tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch nuôi cá tra hữu cơ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận 15% so với nuôi cá truyền thống…
Theo Tổ chức Hợp tác & phát triển (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân những năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn. |