Trà Shan thương hiệu Việt giá trị cao - đổi thay đời sống vùng cao

Thứ ba, 01/12/2020 17:42
(ĐCSVN) - Tìm đến tận vùng cao trên đỉnh Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, những người làm trà Shanam đã gửi gắm vào đó không chỉ tinh hóa từ nội chất trà với kết tinh của đất, trời, mây, núi mà còn thấm đẫm trong đó cả những giá trị của cội nguồn, căn cốt và tính thiêng ẩn chứa trong chất trà nơi đây.

Trái ngọt từ “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển”

Kỳ 1: Từ những chủ trương và quyết sách đúng đắn

 Một góc rừng chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La (Ảnh: HNV)

Khi đoàn công tác của chúng tôi tìm về Tà Xùa, Bắc Yên, tìm đến vùng rừng chè Shan tuyết cổ thụ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác trước độ hùng vĩ của rừng chè cũng như trước những tấm lòng nâng niu, trân trọng giá trị trà Shan của vùng nguyên liệu còn nguyên sơ, nguyên bản và có chất lượng tuyệt hảo.

Vùng núi Tà Xùa – thuộc huyện Bắc Yên, Sơn La, nơi có quần thể cây trà Shan cổ thụ được công nhận là cây Di sản (2019) – sở hữu rất nhiều điều kiện tuyệt hảo mà thiên nhiên ban tặng. Miền đất ấy được ví như một Sapa thu nhỏ và đầy tuyệt vời bởi còn đậm chất nguyên sơ. Nằm trên sườn núi Tây Nam dãy Hoàng Liên Sơn, Tà Xùa với đỉnh Phú Sa Phìn có cao độ 2.879m là “nóc nhà” Tây Bắc, là một trong số “Thập đại cao sơn” của đất Việt. Thổ nhưỡng của miền cao ấy cũng sở hữu hàng loạt tài nguyên khoáng sản, mỏ quặng giá trị như kền, vàng, đồng…

Những chập trùng núi cao của Bắc Yên lại tạo thành những “dòng” mây, khi len lỏi theo từng khe núi, khi hợp nhất tạo thành những biển mây, trở thành một danh thắng thiên nhiên cực kỳ ảo diệu, đẹp lung linh ở cả bốn mùa.

Và những điều kiện tuyệt vời ấy, lại là nguồn linh khí hoàn hảo dung dưỡng, chở che, vun đắp cho “báu vật đánh rơi giữa đất trời” – nói theo cách gọi của người H’mông với cây chè cổ thụ – ấy là những gốc chè Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa hàng trăm năm tuổi.

 Những búp trà trái vụ (Ảnh: HNV)

Là đơn vị kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc sản xuất, chế biến trà xanh xuất khẩu nên khi gắn với miền đất Tà Xùa, người làm trà Shanam coi đó là nhân duyên. Khởi đầu bằng dự án “Phục tráng và phát triển vùng trà Shan tuyết Tà Xùa”, Shanam đã được Ban lãnh đạo huyện Bắc Yên tin tưởng, cùng kết hợp thực hiện việc cơ cấu, quy hoạch vùng nguyên liệu trà Shan cổ thụ, tiến hành bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu bà con dân bản thu hái từ vùng trà cổ.

Những kết nối ban đầu ấy, đến nay đã hơn 5 năm. Từ vùng nguyên liệu quý hiếm khá xa lạ với đồng bào miền xuôi, đến nay, sản phẩm trà từ Tà Xùa của Shanam sản xuất đã vươn ra khỏi biên giới nước Việt, là một thành tố nổi trội, độc đáo, khác lạ trong bản đồ trà thế giới nhờ những hương vị kỳ diệu của trà Tà Xùa. Tất cả được minh chứng qua các cuộc thi trà ở Châu Á, Châu Âu, Mỹ với những thứ hạng cao.

 Được đem về phơi hoàn toàn tự nhiên ngoài trời trong nắng, gió và mây trời Tà Xùa (Ảnh: HNV)

Ông Lê Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên đặc biệt nhấn mạnh rằng, những gắn kết hoàn hảo giữa chính quyền địa phương – đồng bào sở tại – người làm trà Shanam, tạo thành sợi dây chặt chẽ, liền mạch, xuyên suốt để trong vòng 5 năm qua, Tà Xùa đã chứng kiến nhiều đổi thay, nhờ sự “kết nối” thú vị với thành tố chính yếu là cây trà cổ thụ. Sản phẩm trà cũng đa dạng, kỹ thuật chế biến hiện đại, người bản địa nay đã tự tay điều khiển máy móc, thiết bị, mà trước đó 5 năm, việc làm trà chỉ được thực hiện bằng thủ công trên chảo gang, bếp củi.

Dịch COVID-19, chuyện mua – bán, xuất khẩu trà Shan bị ảnh hưởng nhưng ở công đoạn sản xuất lại là cơ hội vàng cho người làm trà Việt tích nguyên liệu, phát triển trà lên men, ép bánh, từng bước khẳng định thương hiệu trà ép bánh thuần Việt.

 Trà ép bánh thuần Việt thương hiệu Shanam không thua kém trà ép bánh Đài Loan, Trung Quốc... (Ảnh: HNV)

Gần đây, người tiêu dùng đã tự tin hơn khi mua bán, sưu tầm và thưởng trà vì đã xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được vụ trà, năm sản xuất, năm ép bánh thành phẩm, thậm chí biết nghệ nhân làm bánh trà ấy. Thêm nữa, giá chỉ bằng 1/3, 1/5 so với trà cùng niên đại nhập ở nước ngoài, trong khi chất lượng vượt trội. Khi đem trà ép bánh Việt ra các cuộc thi trà khu vực và thế giới, người ta phát hiện ra, đem so sánh bánh trà Tà Xùa với Phổ Nhĩ vùng Dị Vũ (Vân Nam -Trung Quốc) cùng một năm sản xuất thì chất lượng ban đầu cả hai như nhau, nhưng bánh trà mình mua từ Vân Nam về chỉ đến nước thứ 5 là nhạt trà, trong khi bánh trà của Việt Nam cả nước và vị đến lượt pha thứ 10 vẫn rất ổn.

Nữ quản lý trẻ Nguyễn Thị Thắm, đại diện Công ty Shanam, đơn vị được tỉnh Sơn La ủy quyền khai thác vùng trà cổ thụ Tà Xùa, cho biết: “Chủ đích của công ty là xây dựng, hướng dẫn, chuyển giao bởi chủ nhân cây trà là người bản địa. Nếu giúp họ phát triển kỹ thuật, làm sản phẩm tốt, thị trường đón nhận, bà con càng thêm vui, khi thấy rõ ích lợi từ cây trà, họ sẽ chuyên tâm hơn trong cách chế biến. Sản phẩm trà Shan ở Shanam đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã mỗi phường một sản phẩm) cấp quốc gia, đoạt các giải thưởng ở châu Á, châu Âu, đều do người H’Mông Tà Xùa làm. Chúng tôi mất khoảng 3 năm để xây dựng mô hình ở Tà Xùa như hiện nay và đang nhân rộng sang các vùng trà khác như Sùng Đô, Yên Bái”.

Trong cái se se lạnh của vùng đất của mây trời, bên chén trà Shan nồng ấm, chị Thắm cũng chia sẻ thêm, việc khai thác và phát triển bền vững vùng Chè Shan tuyết đặc sản Tà Xùa và các sản phẩm bản địa của vùng núi phía Bắc hiện nay mà công ty triển khai chính là nhằm mang lại giá trị cao hơn và hiệu quả kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số.

 Nữ quản lý trẻ của Công ty chè và đặc sản Tây Bắc Nguyễn Thị Thắm say sưa bên các sản phẩm trà ép bánh thuần Việt của công ty (Ảnh: HNV)

Câu chuyện về trà cổ thụ, về người dân tộc bản địa và triết lý kinh doanh đã thực sự thu hút chúng tôi. Chị Thắm tâm sự, để hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hướng tới hiệu quả bền vững, chúng tôi cũng phải cảm ơn dự án chương trình EFD mà công ty tham gia. Chị cho hay, công ty đã nhận được hàng trăm giờ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, nhiều khóa đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là khóa đào tạo xây dựng thương hiệu. Sau thời gian tham gia chương trình, công ty đã xây dựng được 2 thương hiệu trà là ShanVie và Shanam, các sản phẩm chè của 2 thương hiệu này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của thị trường. “Chúng tôi thực sự nhận thức rõ tác động xã hội từ chuỗi giá trị hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, cộng với năng lực quản trị được nâng cao đã giúp chúng tôi định hướng và điều hành doanh nghiệp phát triển đúng đắn và bền vững hơn. Quan trọng hơn cả, bản thân các doanh nghiệp tham gia chương trình đã từng bước tạo lập một cộng đồng EFD, cùng nhau mở rộng để lan tỏa các giá trị thiết thực và đầy ý nghĩa”  - chị Thắm nói.

Dự án Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp (gọi tắt là EFD), hướng tới mục đích giúp đối tượng yếu thế (các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ nghèo, thanh thiếu niên nghèo) nâng cao vị thế, có thêm việc làm, tăng thu nhập hoặc được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống. Dự án thực hiện mục tiêu này thông qua việc nâng cao năng lực quản trị, phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) kinh doanh trong chuỗi giá trị hàng nông sản, đang tạo ra các tác động tích cực lên các nhóm đối tượng yếu thế nói trên. Dự án tin tưởng rằng, thông qua việc giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp sẽ mang lại tác động tích cực cho các nhóm yếu thế trong cộng đồng. 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực