Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn và thị trường lao động thời hội nhập sâu rộng

* Hội nghị công giới Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 2024
Thứ bảy, 02/11/2024 13:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Mô hình hợp tác đào tạo gắn kết thực tiễn giữa nhà trường với doanh nghiệp, mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn với các bài toán thực tiễn tại địa phương, đã đem lại hiệu quả cao trong giai đoạn vừa qua, góp phần đào tạo ra những con người đổi mới sáng tạo có năng lực dẫn dắt và lãnh đạo tổ chức.

Đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với thực tiễn của Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và nhà trường đã tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo gắn kết thực tiễn, tạo sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và thị trường lao động nói chung.

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội nghị công giới năm 2024. Đây là năm thứ hai trường tổ chức hoạt động này kể từ 2023 và dự kiến là hoạt động thường niên của nhà trường trong thời gian tới đây.

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV) 

Theo NGƯT.PGS.TS. Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong suốt hành trình phát triển gần 70 năm qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn là địa điểm tin cậy, nơi nuôi dưỡng những đam mê và khuyến khích các ý tưởng sáng tạo của người học. Trường luôn tạo điều kiện tối đa để người học phát huy những tiềm năng cũng như khả năng khẳng định bản thân ở cộng đồng trong nước và quốc tế. Trường cũng đã khẳng định được vị thế là một trường đầu ngành, cung cấp các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin, cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Bùi Huy Nhượng, trong chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến năm 2030, Nhà trường đã khẳng định mục tiêu sẽ trở thành đại học tự chủ toàn diện, đi tiên phong trong chuyển đổi số, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Với việc hình thành 3 trường thành viên, và thay đổi phương thức quản trị mới, trường đang hướng đến trở thành Đại học Kinh tế quốc dân vào cuối năm nay. Với phương châm Trường sẽ là trung tâm thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, là lựa chọn ưu tiên cao nhất của những học sinh xuất sắc có hoài bão và ước mơ, Nhà trường luôn xác định hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững của Nhà trường.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn kết thực tiễn hội nhập kinh tế” đã tạo ra một diễn đàn nhỏ để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung gồm: Tiếp tục tăng cường đào tạo gắn kết với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có khả “thực chiến” khi tham gia thị trường lao động. Cần có sự tham gia thực chất hơn nữa của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của Trường; Sinh viên cần được trang bị thêm những kỹ năng công nghệ để để thích nghi với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số; Xây dựng các chương trình để thúc đẩy trao đổi sinh viên trong và ngoài ngước để sinh viên có những cơ hội trải nghiệm học tập ở các môi trường khác nhau. Qua đó góp phần giúp sinh viên có thêm kỹ năng, sự tự lập, tự tin thích nghi nhanh với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp; Tạo môi trường khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, phát huy sáng tạo của tuổi trẻ; Có chính sách cụ thể hóa để biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường và đa dạng và tăng cường đào tạo ngoại ngữ 2 để tạo ra lợi thế cho sinh viên khi tham gia thị trường lao động quốc tế…

Phát biểu tại chương trình, Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sinh viên năm tư lớp POHE, Quản lý thị trường cho biết, trong suốt quá trình học tập và phát triển, sinh viên đã có cơ hội được tham gia vào nhiều hoạt động giáo dục và ngoại khóa quý báu. Nhà trường đã tạo điều kiện để sinh viên có thể đóng góp ý kiến thông qua các hội nghị đối thoại, lấy ý kiến phản hồi về chương trình đào tạo, học phần, cũng như các quy định và quy chế của trường. Những hoạt động này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm mà còn giúp thể hiện bày tỏ ý kiến với nhà trường. “Đặc biệt, nhà trường đã không ngừng nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn, kết nối chặt chẽ với thị trường việc làm, như các hoạt động trải nghiệm thực tế, kiến tập, và thực tập. Những cơ hội này đã mở ra cho chúng em những trải nghiệm thực tế quý giá, giúp chúng em chuẩn bị tốt hơn cho tương lai nghề nghiệp của mình”- sinh viên Nguyễn Đức Minh nói.

Lý giải cho nhiều ý kiến của doanh nghiệp/tổ chức tuyển dụng cho rằng: “Nhà trường cần tiếp tục tăng cường đào tạo gắn kết với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho người học có thêm cơ hội trải nghiệm thực tế, thực hành, áp dụng các kiến thức học được vào giải quyết các bài tập tình huống góp phần tăng cường tính “thực chiến” của người học”, năm học 2023-2024, Trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) học phần “Chuyên đề thực tế - 04 tín chỉ” để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo. Tiếp tục duy trì và tăng cường nguồn lực và phân cấp cho các khoa/viện đào tạo tổ chức các chuyến tham quan thực tế, trải nghiệm cho sinh viên (mỗi năm ít nhất 01 lần). Xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thực tiễn thông qua các hoạt động định kỳ, thường niên như: Ngày hội thực tập; ngày hội việc làm dành cho sinh viên…

Đối với nhiều ý kiến về việc “Nhà trường cần trang bị cho sinh viên thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để thích nghi với yêu cầu của nền kinh tế số, xã hội số”, năm học 2023-2024, Trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) môn học “Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế & kinh doanh - 03 tín chỉ” với nội dung đào tạo phù hợp với sinh viên từng nhóm ngành đào tạo. Trường cũng đã nghiên cứu và tích hợp nhiều phần mềm vào giảng dạy và học tập (giảng viên, sinh viên được cấp tài khoản): Phần mềm quản trị tổng thể danh cho doanh nghiệp (Company Management); Phần mềm Giải pháp kế toán (AccountingSuite); Nền tảng công nghệ Enterprise… Bên cạnh đó, đầu tư mua khoảng 20 phần mềm với kinh phí hàng chục tỷ đồng để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo các khóa đào tạo ngắn hạn về Khoa học dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho sinh viên (các khóa học có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như VNPT AI, …): “Khoa học dữ liệu và AI cơ bản”; “Phân tích dữ liệu kinh doanh”; “Báo cáo và trực quan hóa dữ liệu kinh doanh”… các khóa đào tạo thu hút hàng trăm sinh viên các khối ngành kinh tế, kinh doanh và tài chính.

Phiên Tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị (Ảnh: HNV) 

Một số ý kiến của chuyên gia quốc tế cho rằng: “Nhà trường cần tích hợp nhiều hơn các yếu tố quốc tế vào chuẩn đầu ra, vào Kết quả đào tạo dự kiến của các chương trình. Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các chương trình trao đổi trong và ngoài nước”, năm học 2023-2024, Trường đã bước đầu chú trọng nâng cao chuẩn đầu vào thông qua việc tuyển sinh thu hút các sinh viên có năng lực xuất sắc (thuộc tốp 10% giỏi nhất cả nước); ưu tiên sinh viên có kỹ năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế (năm 2024 70% sinh viên có chứng IELTS >= 5.5 và điểm đầu vào >= 26 điểm); Chuẩn đầu ra ngoại ngữ Trường yêu cầu với sinh viên trước khi tốt nghiệp phải đạt 5.5 với các CTĐT chuẩn tiếng Việt; 6.0 & 6.5 với các chương trình đào tạo TT-CLC&POHE và các CTĐT bằng tiếng Anh; Xây dựng và tổ chức đào tạo ngoại ngữ 2 dành cho sinh viên để tạo thêm lợi thế, sự khác biệt cho sinh viên. Bước đầu tổ chức với 03 ngoại ngữ: Tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản. Bước đầu thu hút được hàng trăm sinh viên theo học. Đáng chú ý, Trường chú trọng tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế vào một số chương trình đào tạo cũng như chú trọng thúc đẩy trao đổi sinh viên trong và ngoài nước với các trường đối tác (trong nước: ĐH Kinh tế TP.HCM; ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng; quốc tế: các trường đối tác thuộc Mỹ, Úc, Hà Lan, Anh Quốc,…).

Liên quan tới nhiều ý kiến của giảng viên nước ngoài cho rằng: “Nhà trường cần thúc đẩy phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại để tăng tương tác giữa giảng viên – sinh viên; sinh viên – sinh viên giúp sinh viên chủ động hơn trong việc học tập, tự phát triển bản thân. Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra sự khác biệt xứng tầm với vị thế của Trường – Trường ĐH tiên phong hàng đầu của Việt Nam”, năm học 2023-2024, Trường đã và đang: áp dụng mô hình giảng dạy – học tập Lecture – Seminar và từng bước mở rộng với các môn học thuộc CTĐT; Đầu tư xây dựng hệ thống phòng học thông minh và đưa vào sử dụng; Đầu tư xây dựng bộ học liệu số; Đầu tư mua hệ thống giáo trình bằng tiếng Anh phiên bản E-book cho tất cả các môn học thuộc CTĐT.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng: “Bên cạnh việc học kiến thức trên giảng đường, nhà trường cần chú trong tổ chức đa dạng các hoạt động mang tính vận động cho sinh viên để rèn luyện sức khỏe, tinh thần tốt”. Trên tinh thần tiếp thu rõ ràng, năm học 2023-2024 Trường đã và đang đổi mới phương thức tổ chức đào tạo GDQP&AN cho sinh viên ĐHCQ thông qua việc phối hợp với các Trung tâm GDQP&AN tốt nhất cả nước để tổ chức đào tạo tập trung cho sinh viên trong khoảng thời gian ~ 1 tháng (đào tạo ngay từ năm thứ nhất, sau học kỳ 1), giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội chính quy, qua đó rèn luyện được tính kỷ luật, tinh thần đồng đội. Kết quả khảo sát sinh viên qua các đợt học cho thấy khoảng 95% sinh viên cảm thấy mình “trưởng thành” hơn; Xây dựng và phát triển đa dạng các môn học GDTC và cho phép sinh viên lựa chọn các môn học thể dục, thể thao phù hợp với năng lực và sở thích (các môn học mới được đưa vào dựa trên khảo sát nhu cầu của người học: Bóng đá; Cờ vua; Bơi lội; Tenis; Khiêu vũ thể thao; Cầu long;…); Tổ chức các giải thể thao một cách chuyên nghiệp dành cho sinh viên: NEU League giải bóng đá duy nhất trong các trường đại học; Giải bóng rổ….

Dịp này, ông Phan Minh Chính, Chủ tịch hội đồng quản trị Pro Sports, một trong những cá nhân đại diện cho đơn vị đang có hợp tác tích cực với nhà trường khẳng định cam kết hợp tác hiệu quả giữa hai bên trên tinh thần kết nối giữa học lý thuyết trên lớp và kiến thức thực tiễn tại doanh nghiệp. Theo đó, sinh viên của nhà trường có thể kiến tập, thực tập tại hai nhà máy sản xuất ở Giao Yến và Giao Thủy, Nam Định thuộc  Công ty TNHH Pro Sports, từ đó, không chỉ được lắng nghe các thông tin giới thiệu mà còn thực tế tham quan các Nhà máy, hiểu biết thêm về dây chuyền sản xuất cũng như những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nhà máy cũng như đời sống công nhân viên mà công ty phải tuân thủ để được giao thương với các bạn hàng quốc tế./.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực