|
Mô hình trồng na góp phần nâng cao đời sống của người dân thôn Bả, xã Cẩm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Lê Vy)
|
Lục Ngạn được biết đến là một trong những điểm sáng về phát triển các mô hình kinh tế tập thể của tỉnh Bắc Giang. Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, huyện Lục Ngạn đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện việc đổi mới, phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Hằng năm, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách hỗ trợ của các cấp đối với khu vực kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã… Việc tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và đông đảo người dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển kinh tế tập thể.
Việc phát triển kinh tế tập thể đã trực tiếp góp phần mở rộng diện tích các loại cây ăn quả, nhất là cây vải thiều ở Lục Ngạn. Đến nay, toàn huyện đang có khoảng 16 nghìn ha vải, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP là 9.500 ha (tăng 6.500 ha so với năm 2010)… Các mô hình kinh tế tập thể được nhân rộng và phát triển có hiệu quả ở một số xã như: Hồng Giang, Trù Hựu, Giáp Sơn, Thanh Hải…
Anh Vũ Văn Đông ở thôn Tân Tiến, xã Trù Hựu chia sẻ: “Tham gia vào hợp tác xã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ vốn ưu đãi…, đến nay đời sống gia đình tôi đã được nâng lên nhiều so với trước. Chỉ tính riêng việc phát triển cây ăn quả đã mang lại thu nhập cao gấp 7 - 8 lần so với việc làm vườn tạp hay trồng cây hoa màu”.
Tìm hiểu được biết, không chỉ huyện Lục Ngạn mà tại các địa phương khác ở Bắc Giang, việc phát triển kinh tế tập thể cũng luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Theo đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tỉnh xác định phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm; trên cơ sở phương châm tích cực, hiệu quả, chủ động và gắn với nhu cầu thực tiễn, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, chú trọng chất lượng hợp tác xã; tích cực đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Theo thống kê đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đang có 584 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 184 hợp tác xã trồng trọt, 85 hợp tác xã chăn nuôi, 135 hợp tác xã thủy lợi, 40 hợp tác xã thủy sản và 140 hợp tác xã tổng hợp. Trong hai năm gần đây, tuy chịu ảnh hưởng lớn do dịch COVID -19, song các hợp tác xã đã cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện đã có trên 100 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 48 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 49 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đang có 65 tổ hợp tác được cấp xã chứng thực hợp đồng hợp tác, trong đó gồm 01 tổ chăn nuôi, 7 tổ thủy sản, 33 tổ hợp tác dùng nước và 24 tổ trồng trọt.
|
Mô hình kinh tế tập thể ở Bắc Giang góp thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. (Ảnh: PV)
|
Kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và địa phương, trực tiếp là của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang. Bên cạnh việc ban hành các chủ trương, hướng dẫn về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chính sách khuyến khích thành lập và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích các hợp tác xã đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế tập thể; đồng thời, bồi dưỡng kiến thức về cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã; tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bố trí quỹ đất cho hợp tác xã thuê để mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt, mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt cho "Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025" với tổng nguồn kinh phí hơn 88,1 tỷ đồng. Đây được coi là động lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu để tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể thấy, các mô hình kinh tế tập thể ở Bắc Giang đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vẫn còn những hợp tác xã, tổ hợp tác của Bắc Giang gặp những khó khăn nhất định về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật…, nên khó mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin; chất lượng sản phẩm vẫn chưa đồng đều giữa các vùng, các hợp tác xã; việc sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP đã được mở rộng nhưng còn gặp khó khăn do chi phí cấp giấy chứng nhận cấp giấy chứng nhận còn cao…
Để kinh tế tập thể phát triển thực sự có hiệu quả, là chỗ dựa cho kinh tế hộ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với hoạt động kinh tế tập thể; tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương… Từ đó, đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển, vừa giúp khai thác có hiệu quả những thế mạnh, tiềm năng, trực tiếp nâng cao đời sống người dân, vừa thực sự là nền tảng, đòn bẩy để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh./.