Bài 1: Chuyện về những hợp tác xã, tổ hợp tác “ăn nên làm ra” ở vùng dân tộc thiểu số

Loạt bài: THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
Thứ hai, 27/03/2023 09:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác là giải pháp quan trọng nhằm triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát triển sinh kế bền vững dựa trên nội lực

Ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, thôn Tuấn Tú khá nổi tiếng vì là thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm. Thôn có một hợp tác xã (HTX) trồng cây măng tây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen vì hoạt động có hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp.

Thôn Tuấn Tú có hai “đặc sản” là nắng và gió, 65% diện tích là đất pha cát bạc màu. Ông Kiều Minh Tiến - người có uy tín của thôn nhớ lại, trước đây, bà con chỉ biết trồng lạc, cà rốt… Năm nào sản phẩm được giá thì đời sống no ấm. Năm nào không được giá thì đời sống bấp bênh.

Với mong muốn giúp người dân Tuấn Tú chuyển đổi cây trồng có hiệu quả để có thu nhập ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận thử nghiệm đưa cây măng tây xanh vào đồng đất của thôn. Ông Tiến là người tiên phong hưởng ứng.

Vốn dĩ diện tích đất sản xuất khan hiếm, cuộc sống khó khăn nên không mấy người dám “đặt cược” vào cây trồng mới. Bởi thế, những người đi tiên phong như ông Tiến, nếu thành công, sản phẩm rất được giá.

Đặt cược thành công. Cây măng tây xanh sinh trưởng xanh tốt trên khoảnh vườn nhà ông Tiến. Giá bán lên tới 90.000đồng/kg (cao gấp đôi hiện nay), giúp ông Tiến nuôi được 4 người con ăn học đàng hoàng.

Măng tây xanh được mệnh danh là “hoàng đế” dinh dưỡng trong các loại rau nên rất được ưa chuộng. Giá trị kinh tế mà măng tây xanh mang lại cộng với tiêu thụ thuận lợi đã thôi thúc người Chăm thôn Tuấn Tú liên kết nhau thành lập HTX.

Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ, tiếp sức của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện, xã và cả tổ chức phi chính phủ nước ngoài, thông qua việc hỗ trợ bà con lắp đặt hệ thống tưới, mua cây giống, làm thủ tục chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; phát triển bộ nhận diện thương hiệu, nhãn mác bao bì, đăng ký quyền tác giả logo HTX…

Hiện nay, HTX đang liên kết với một trang trại nông nghiệp hữu cơ bao tiêu sản phẩm cho thành viên, với giá mua vào 50.000đồng/kg. Ông Lỗ Trung Tài - Phó Giám đốc HTX so sánh, 1 kg măng tây xanh có giá trị bằng 10 kg thóc. Ngày nào người dân trong thôn cũng có tiền. Nhà trồng ít thu hoạch 10 -15 kg/ngày; nhà trồng nhiều thu 30 - 50 kg/ngày. Mỗi ngày, HTX thu mua cho các thành viên gần 2 tạ măng. Mỗi năm, người Chăm thôn Tuấn Tú có doanh thu gần 4 tỷ đồng. Hầu như 500 hộ trong thôn đã xây được nhà to đẹp nhờ cây măng tây xanh.

Ông Kiều Minh Tiến - người tiên phong hưởng ứng trồng cây măng tây mang lại cơ hội đổi đời cho người Chăm thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Dựa vào cây hồ tiêu hữu cơ, câu chuyện của HTX Thương mại và dịch vụ Hoàng Nguyên, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông lại là một điển hình thú vị cho những người dân vùng sâu, vùng xa đang phát triển nhờ nông sản tại chỗ.

Thành lập và đi vào hoạt động năm 2018, tức là “sinh sau đẻ muộn” hơn rất nhiều so với các HTX khác, 41 thành viên của Hoàng Nguyên chọn giải pháp tập trung vào tiêu chuẩn, chứng nhận chất lượng nhằm khẳng định giá trị sản phẩm và tạo niềm tin với khách hàng.

HTX đầu tư trên 800 triệu đồng để được cấp 3 giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường này. Đối với thị trường nội địa, sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Chị Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ Hoàng Nguyên cho biết, nhờ đầu tư vào chất lượng nên HTX luôn bán sản phẩm với giá cao, dao động từ 65 - 80 triệu đồng/tấn, trong khi các hộ dân chỉ bán được khoảng 37 triệu đồng/tấn. Mỗi năm, HTX xuất khẩu hàng trăm tấn hồ tiêu hữu cơ.

Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hiện có khoảng 53% số hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả 

Chuyện về Tổ hợp tác (THT) Ngàn Hương, tỉnh Bắc Kạn lại là minh chứng cho việc phát triển sinh kế bền vững dựa vào nội lực sẵn có tại quê hương và truyền thống gia đình. Người Tày chiếm hơn 50% dân số tỉnh Bắc Kạn và họ có những cách thức sáng tạo để phát triển kinh tế dựa vào sản vật của địa phương và truyền thống lâu đời của dân tộc. 

Chị Nguyễn Thị Luận là Tổ trưởng THT Ngàn Hương gồm 4 người, có quan hệ “dì - cháu” cùng nhau góp vốn làm ăn. Chị Luận học Đông y nên biết rõ những phương thuốc cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ mang lại lợi ích cho sức khoẻ mà còn là nét đẹp văn hoá cần bảo tồn và phát huy.

Chị nảy ra ý tưởng dùng cây thảo mộc truyền thống của quê hương để biến thành bài thuốc chữa bệnh. Sản phẩm chính của THT là các loại dược liệu, hoa hồi, thảo quả… cổ truyền của người Tày. Mỗi ngày, THT thu mua khoảng 1-2 tạ dược liệu, đưa vào chế biến thành những loại thuốc trị bệnh dạ dày, sỏi thận, trĩ, u xơ, u nang và bệnh cam ở trẻ con…

Người bệnh sử dụng, thấy công hiệu, tự họ giới thiệu người khác đến mua. Bán được nhiều nhất là bài thuốc chữa các bệnh sỏi thận và dạ dày  - chị Luận mộc mạc kể.

Nhận thấy sản phẩm trà hoa, thảo mộc có nhu cầu lớn ở thành phố, đối tượng tiêu thụ rộng và đa dạng hơn nên chị Luận dự định trong thời gian tới, tập trung đẩy mạnh sản xuất trà và tinh dầu thơm. Chị mong ước có thêm nhiều người gia nhập THT, bà con tích cực trồng dược liệu để chế biến thành những loại đặc sản của quê hương Bắc Kạn, đưa đến tay người tiêu dùng trong cả nước.

Đó là chị Nguyễn Thị Luận ở tỉnh Bắc Kạn với THT sản xuất thuốc đông y cổ truyền. Còn với chị H’Bình, người dân tộc M’Nông, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lại bắt đầu từ nghề truyền thống dệt thổ cẩm, vì chị luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm. Mẹ chị là nghệ nhân, có hơn 50 năm gắn bó với khung dệt.

Nối nghiệp mẹ và bằng niềm đam mê thổ cẩm đã ngấm vào huyết quản từ nhỏ, chị H’Bình quyết định thành lập THT với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Khởi điểm, các thành viên trong tổ đều không biết dệt nhưng lại có chung khát khao lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Tổ trưởng H’Bình chủ động tham gia các lớp đào tạo, tập huấn và trở thành nghệ nhân. Trở về nơi cư trú, chị truyền nghề cho các thành viên và họ cùng nhau sáng tạo nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: áo, váy, chăn…

Có sản phẩm nhưng làm cách nào để đưa đến tay người tiêu dùng luôn là câu hỏi lớn với chị H’Bình. Thế là thay vì thụ động ngồi chờ, chị tận dụng các mạng xã hội để tìm khách hàng và bán hàng. Nhờ đó mà THT đã duy trì sản xuất, tạo việc làm cho 10 chị em người dân tộc M’nông, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị H'Bình (bên phải) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống do chị em dân tộc M'nông trong tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông làm ra

Khẳng định năng lực

Những HTX, THT ăn nên làm ra ở trên đại diện cho 53% số HTX đang hoạt động hiệu quả trong tổng số gần 12 nghìn HTX ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN).

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khu vực HTX nông nghiệp đạt từ 0,7 - 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực HTX phi nông nghiệp đạt từ 1,8 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Một số HTX có khả năng giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cao cho thành viên như: HTX sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng, tỉnh Lâm Đồng, có 07 ha trồng cây dược liệu, 40ha rau, củ, quả, tạo việc làm cho 120 lao động thường xuyên, trong đó chủ yếu là người DTTS, thu nhập trung bình từ 5,7 - 11 triệu đồng/tháng; HTX nông nghiệp Evergrowth, tỉnh Sóc Trăng sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu, thu hút 2.949 thành viên; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.000 lao động; thu nhập bình quân hộ thành viên đạt trên 8,3 triệu đồng/tháng.

Trên phạm vi cả nước, các HTX, liên hiệp HTX, THT và các thành viên sản xuất, cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước khối lượng và giá trị khá lớn sản phẩm nông sản, OCOP, dịch vụ vận tải, tín dụng, thương mại...

Tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu, rau, quả do các HTX, liên hiệp HTX, THT và các thành viên sản xuất chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước; tỷ trọng các nông sản khác và thuỷ sản chiếm từ 25 - 30%; tỷ trọng sản xuất sản phẩm OCOP chiếm 45%; tỷ trọng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hoá chiếm 29%; tỷ trọng bán lẻ hàng hoá tiêu dùng thiết yếu chiếm 28%; tỷ trọng dư nợ tín dụng ở địa bàn nông thôn chiếm 14%; các HTX nông nghiệp vùng biên giới, HTX đánh bắt hải sản còn góp phần tích cực vào bảo vệ chủ quyền đất nước. 

Số HTX vùng DTTS & MN hiện chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, chưa kể con số 35 liên hiệp HTX, 61.471 THT; trong đó có hơn 600 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% của cả nước). Như vậy có thể khẳng định, các HTX, liên hiệp HTX, THT vùng DTTS&MN đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của khu vực kinh tế HTX, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước./.

Bài 2: Vai trò của kinh tế hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Bài cuối: Cần phát triển kinh tế hợp tác xã theo hướng liên kết chuỗi giá trị và kinh tế tuần hoàn

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực